Chìa khóa để hàng Việt rộng đường vào Trung Quốc “Nhiều sản phẩm của Việt Nam như thanh long, chuối, sầu riêng, cà phê, cá basa… đang có sức hút rất lớn tại thị trường Trung Quốc” - ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM. Với dân số hơn 1,4 tỉ người, Trung Quốc (TQ) là thị trường lớn cho nhiều mặt hàng Việt. Tuy nhiên, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của TQ. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng thị phần nông sản tại thị trường TQ. BáoPháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự TQ tại TP.HCM, về những việc cần làm thúc đẩy xuất khẩu nông sản giữa hai nước. Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM. Ảnh: QUỐC VŨ | Sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam có tiềm năng lớn . Phóng viên:Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế TQ sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Vậy cơ hội nào cho hàng Việt nói chung và nông sản nói riêng tại thị trường TQ, thưa ông? + Ông Ngụy Hoa Tường: TQ hiện là thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới với dân số hơn 1,4 tỉ người. Đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của TQ đã vượt mức 12.000 USD và quy mô nhóm thu nhập trung bình tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, người tiêu dùng TQ ngày càng đề cao chất lượng của sản phẩm, cũng như theo đuổi các xu hướng tiêu dùng xanh, thông minh và lành mạnh. Điều này mang lại một thị trường rộng lớn hơn và nhiều cơ hội hơn cho các công ty toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang TQ gồm điện thoại và linh kiện; sản phẩm máy tính điện tử và linh kiện và nông thủy sản. Riêng trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu những mặt này sang TQ lần lượt đạt 8,9 tỉ USD, 8,8 tỉ USD và 7,3 tỉ USD. Những số liệu này cho thấy sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam ngày càng có tiềm năng lớn tại thị trường TQ. Dừa tươi Việt Nam chuẩn bị được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: THU HÀ | . Ông đánh giá ra sao về lợi thế của nông sản Việt trước sức hút từ thị trường tỉ dân? + Việt Nam có những điều kiện ưu việt về địa lý, khí hậu; các sản phẩm của ngành nông, lâm, thủy sản có sản lượng lớn, chất lượng tốt, hương vị và màu sắc bắt mắt. Nhiều sản phẩm như thanh long, chuối, sầu riêng, cà phê, cá basa… đang có sức hút rất lớn tại thị trường nội địa TQ. Đẩy nhanh xây dựng cảng thông minh Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, thương mại TQ - Việt Nam vẫn nổi bật. Chính phủ hai nước Việt Nam - TQ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cấp mở cảng và đẩy nhanh xây dựng cảng thông minh nhằm mang lại nhiều thuận lợi hơn cho thương mại giữa hai nước. Tăng cường liên thông kết nối đường sắt và các lĩnh vực khác, đồng thời cùng nhau xây dựng một hệ thống chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng cùng có lợi, ổn định và thông suốt. Ông NGỤY HOA TƯỜNG | Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang TQ đã vượt 1,2 tỉ USD, đưa xuất khẩu riêng mặt hàng rau quả của Việt Nam trong tám tháng đầu năm lên 3,45 tỉ USD. Con số này tăng 58% so với cùng kỳ và vượt tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm ngoái. Ngoài ra, tôi thấy trái dừa Việt Nam cũng là sản phẩm đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn bởi chất lượng tốt, sản lượng cao. Chỉ tính riêng tỉnh Bến Tre mỗi năm đã cung ứng lên đến 850 triệu trái dừa. Hiện các cơ quan liên quan của hai nước đang tiến hành thủ tục ký kết nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang TQ. Các chuyên gia dự đoán xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ vượt 5,5 tỉ USD trong năm nay, đây sẽ là kỷ lục cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê. Điều này thể hiện đầy đủ tiềm năng phát triển to lớn của nông sản Việt Nam tại thị trường TQ. Để xuất khẩu bền vững sang thị trường tỉ dân . Từ đầu năm tới nay một số lô hàng của Việt Nam bị phía TQ “tuýt còi” trong bối cảnh TQ ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy theo ông, đâu là cách để hàng Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu ngày càng chặt chẽ của TQ? + Tôi cho rằng xây dựng các tiêu chuẩn và phương pháp kiểm tra an toàn thực phẩm quốc gia là thông lệ ở các nước trên thế giới, không riêng gì TQ. Tôi còn nhớ nhiều năm trước, gừng và hành lá, hai nông sản đặc trưng của TP An Khâu, tỉnh Sơn Đông (TQ), cũng đối mặt với vấn đề không đáp ứng được các yêu cầu pháp lý và quy định của nước nhập khẩu. Ngay sau đó, chính quyền đã xây dựng 33 quy trình vận hành kỹ thuật và hơn 200 tiêu chuẩn từ sản xuất, chế biến, lưu thông cũng như các giai đoạn khác của sản xuất nông sản xuất khẩu. Chính quyền cũng tích cực tham khảo các tiêu chuẩn vận hành nông nghiệp ở Mỹ, Nhật Bản, EU và các nơi khác… Sầu riêng trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD. Ảnh: THU HÀ | Nhờ đó An Khâu đã biến “tiêu chuẩn An Khâu” thành “tiêu chuẩn quốc tế”. Đáng chú ý, chính nhờ mô hình giám sát chất lượng An Khâu bị ép buộc theo tiêu chuẩn xuất khẩu mà nông dân địa phương và các công ty nông sản coi việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản là hướng đi chính, trọng tâm của sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, gừng từ TP này đã được xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và khu vực với khối lượng xuất khẩu hằng năm hơn 500 triệu đô la Mỹ. Thông qua câu chuyện này tôi cho rằng để nâng cao năng lực xuất khẩu, DN Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực quản lý, thực hiện hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuân thủ các quy định về chất lượng, kiểm dịch, đóng gói, truy xuất nguồn gốc để có thêm nhiều nông sản xuất khẩu sang TQ và thế giới. . Ngoài kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ… các công ty Việt Nam cần hoàn thiện thêm điều gì để đưa hàng hóa vào sâu trong nội địa TQ, thưa ông? + Theo tôi, việc thiếu can thiệp của chuỗi cung ứng lạnh, đặc biệt là những bất cập tồn tại trong khâu thu gom và khâu bán hàng chặng cuối là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao của nông sản rau quả. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cũng như doanh thu nông sản. Do đó, việc thiết lập chuỗi cung ứng lạnh tại nguồn rất quan trọng. Mặc dù kỹ thuật chuỗi đông lạnh áp dụng cho rau củ ở vùng ôn đới và rau củ vùng nhiệt đới là khác nhau nhưng chúng tôi hy vọng các DN có thực lực tại Việt Nam sẽ đầu tư nhập khẩu các công nghệ bảo quản tiên tiến, an toàn phù hợp với đặc điểm của rau củ vùng nhiệt đới. Song song với giải pháp trên cần xây dựng hạ tầng logistics chuỗi lạnh hoàn thiện hơn để các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tại khu vực phía Nam Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ từ công nghệ chuỗi lạnh tốt hơn và bán với giá tốt hơn. . Xin cảm ơn ông. Quảng bá hàng Việt tại hệ thống phân phối Trung Quốc Bộ Công Thương cho hay nhiều năm qua TQ liên tục duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ sáu của TQ trên thế giới (năm 2022) và là đối tác thương mại lớn nhất của TQ trong ASEAN. Riêng trong chín tháng đầu năm nay, TQ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước tính đạt 42,2 tỉ USD, tăng 2,1%. Ở chiều ngược lại, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 79 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thương mại Việt Nam - TQ đã chính thức vượt mốc 120 tỉ USD sau chín tháng đầu năm. Do vai trò quan trọng của thị trường TQ trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp như chỉ đạo đôn đốc các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động hỗ trợ kết nối tìm kiếm các đối tác thương mại và đầu tư cho các DN Việt Nam, hỗ trợ quảng bá hàng hóa Việt Nam tại các hệ thống phân phối của TQ; tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh, thương hiệu đối với nông sản có giá trị cao và năng lực sản xuất tốt của Việt Nam như sầu riêng hoặc tổ yến… | THU HÀ ĐỨC HIỀN thực hiện Pháp luật TPHCM
|