Sẽ thí điểm hỗ trợ đầu tư công nghệ cao? Thứ 5 tuần này (28-9-2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ cao trong năm năm.
Việc thiết lập chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao là phản ứng cần có lúc này. Ảnh: T.L |
Tại Tờ trình 414/TTr-CP ngày 30-8-2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cho biết, mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; phù hợp với định hướng của Việt Nam là ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước; và phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo đó, Chính phủ đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với bốn nhóm đối tượng gồm: (1) doanh nghiệp có dự án quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm trong lĩnh vực công nghệ cao; (2) doanh nghiệp công nghệ cao có dự án quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; (3) doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; (iv) doanh nghiệp có dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng.
Tờ trình cho rằng, ưu đãi cho những đối tượng này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhắm đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao Made in Vietnam, đặc biệt trong các ngành nghề đang là xu hướng mới trên thế giới như bán dẫn. Đồng thời, không gây xáo trộn so với quy định hiện tại, bởi tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đã được quy định tại Quyết định 10/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 32/2011/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Những chính sách hỗ trợ, ưu đãi kịp thời, hợp lý cho đầu tư công nghệ cao lúc này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “hóa giải” những thách thức mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại và tận dụng tốt nhất làn sóng dịch chuyển sản xuất để trở thành “cứ điểm” của các “đại bàng công nghệ”. |
Quy mô vốn đầu tư hiện nay được quy định tại văn bản pháp luật về đầu tư và thuế, gồm ba mức: 6.000 tỉ đồng, 12.000 tỉ đồng và 30.000 tỉ đồng. Việc lựa chọn quy mô 12.000 tỉ đồng nhằm thu hẹp đối tượng áp dụng, tránh bội chi cho ngân sách và khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia tăng vốn đầu tư. Tiêu chí doanh thu trên 20.000 tỉ đồng cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao kinh doanh hiệu quả.
Về hình thức hỗ trợ, Chính phủ đề xuất bốn hình thức: hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Theo Tờ trình, bốn hình thức hỗ trợ này phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình ngân sách nước ta, thiết thực với doanh nghiệp và có lợi cho nước ta về bản chất kinh tế. Phương thức hỗ trợ: được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước (bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm).
Đặt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi trên diện rộng vào đầu năm tới sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc thiết lập chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao là phản ứng cần có lúc này.
Bởi lẽ, khi các nước phát triển tiến hành thu thuế tối thiểu 15% với công ty mẹ thì ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam không còn tác dụng với các công ty này. Nhìn ra xung quanh, các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội để duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam nếu không có động thái điều chỉnh phù hợp chắc chắn sẽ giảm khả năng cạnh tranh và “đuối sức” trong cuộc đua khắc nghiệt này. Mục tiêu thu hút FDI đầy tham vọng, 150-200 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2021-2025 và 200-300 tỉ đô la Mỹ trong năm năm tiếp theo, sẽ gặp thách thức rất lớn. Việc mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu cũng có nguy cơ giảm sút.
Vốn FDI cho đến nay vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của nước ta, do đó không thể không củng cố động lực này. Tuy nhiên, “bối cảnh mới” đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cho công nghệ cao không chỉ là thuế tối thiểu toàn cầu. Một lý do quan trọng khác là chính sách hỗ trợ đầu tư cho công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả nhất cơ hội “lớn khác thường” trong thu hút FDI do tình hình quốc tế hiện nay tạo ra những lực đẩy thuận chiều, có lợi cho nước ta.
Cụ thể là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc. Báo cáo “Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức” do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa công bố cho biết, tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực ASEAN đã tăng vọt sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc gần đây.
ASEAN đã thu hút gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 – là mức cao kỷ lục và gần gấp đôi so với bốn năm trước. Trong ba năm qua, Mỹ, với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN (14%) để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực. Đáng chú ý, phần lớn FDI của Mỹ đã chảy vào ngành sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn cao cấp ở Singapore và Malaysia.
Theo báo cáo này, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng; trong đó ASEAN nhờ vào địa lý lân cận và các tiêu chuẩn cơ bản được cải thiện, đã nổi lên như một điểm đến thay thế. Trong dòng chảy này, Việt Nam cũng là “một trong những quốc gia được hưởng lợi chính”.
Bên cạnh đó, sau khi xảy ra căng thẳng thương mại với Trung Quốc, lại thêm tác động của đại dịch Covid-19, Mỹ và các nước đồng minh quyết liệt thúc đẩy việc đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước đối tác tin cậy, còn gọi là chiến lược “friend – shoring”. Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dấu mốc lịch sử này là điều kiện rất tốt để Việt Nam tận dụng tốt chiến lược friend – shoring.
Đặc biệt là khi “tầm cao mới” trong mối quan hệ hai nước là thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo; và tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ. Trong đó, hai bên cam kết tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu, cụ thể là khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu đô la Mỹ, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Trong bối cảnh như vậy, những chính sách hỗ trợ, ưu đãi kịp thời, hợp lý cho đầu tư công nghệ cao lúc này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “hóa giải” những thách thức mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại và tận dụng tốt nhất làn sóng dịch chuyển sản xuất để trở thành “cứ điểm” của các “đại bàng công nghệ”.
An Nhiên TBKTSG
|