Nhiều cơ hội phát triển vi mạch ở TP.HCM Với các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng, chính sách và nhân lực tài năng, TP.HCM hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm vi mạch của thế giới. Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, lĩnh vực công nghệ chip được TP xác định là ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Hàng loạt gã khổng lồ vào TP.HCM TP.HCM đang là cứ điểm sản xuất vi mạch quan trọng của Intel - một trong những tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Hiện 70% khối lượng công việc lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói vi mạch (ATP) của Intel trên toàn cầu đều được thực hiện tại Việt Nam (VN). TP.HCM có nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới. Ảnh: MINH HOÀNG | Ông Kim Huat Ooi, Tổng Giám đốc Intel VN, cho biết sức hấp dẫn của TP.HCM với lĩnh vực vi mạch nói riêng và ngành công nghệ nói chung nằm ở cơ sở hạ tầng sẵn có, cơ chế một cửa linh hoạt cũng như nguồn nhân lực tài năng. Hơn một thập niên qua, Intel VN đặt tại TP.HCM vẫn đang tăng trưởng tốt và đóng vai trò là địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn. Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc bán hàng Công ty Synopsys VN: “Trong ngành vi mạch có ba cấu phần gồm thiết kế; sản xuất, lắp ráp; thử nghiệm, đóng gói vi mạch. TP.HCM nên tiếp tục đầu tư thế mạnh cho việc thiết kế vi mạch vì công nghệ vừa, chi phí đầu tư cũng đã đến hàng trăm triệu USD, trong khi với công nghệ cao là hàng tỉ USD”. | Vào tháng 5-2023, Tập đoàn Marvell Technology, một công ty Mỹ đứng top 10 trong ngành vi mạch toàn cầu, đã thành lập một trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Thực tế Marvell đã hoạt động tại TP.HCM hơn một thập niên với hơn 300 kỹ sư VN làm việc tại đây. TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Marvell VN, thuộc Tập đoàn Marvell Technology, tiết lộ công ty có rất nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều nước khác nhau. Đặc biệt, trung tâm thiết kế ở TP.HCM sẽ là trung tâm hàng đầu của Marvell trên phạm vi toàn cầu. “Trong 10 năm qua, các kỹ sư VN đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn đến kỹ năng quản lý dự án. Nguồn nhân lực của VN đã phát triển đủ để chúng tôi có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất” - TS Đạm cho biết. Nguồn nhân lực vi mạch Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc bán hàng Công ty Synopsys VN (một ông lớn trong ngành vi mạch của Mỹ), cho biết: Nhiều công ty vi mạch nước ngoài đang ồ ạt đầu tư vào TP.HCM vì chúng ta có thế mạnh về nguồn nhân lực. Chẳng hạn, tại Synopsys đang có 600 kỹ sư VN thiết kế những vi mạch cao cấp nhất. Hay Công ty Renesas (Nhật Bản) tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) có đến 1.200 kỹ sư VN chuyên thiết kế vi mạch cho ô tô. Theo ông Lâm, TP nên tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo chuẩn mực toàn cầu. Vì có nguồn nhân lực tốt sẽ dễ dàng thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Các kỹ sư vi mạch VN làm việc trong môi trường quốc tế sẽ học hỏi được kinh nghiệm, từng bước làm chủ công nghệ và vươn đến sản xuất vi mạch nội địa để phục vụ cho phát triển đất nước. TS Lê Quang Đạm cũng nhận định: “Hiện nay, các tập đoàn quốc tế làm việc rất chặt chẽ với nhiều trường đại học và mở ra chương trình học bổng dành cho các sinh viên tài năng để thúc đẩy nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao. Cạnh đó, TP cần có cơ chế, chính sách cho các trường đại học để mở rộng nguồn nhân lực vi mạch trong tương lai”. TP.HCM cần nắm bắt cơ hội GS Đặng Lương Mô, một nhà khoa học vi mạch từng làm việc tại Nhật Bản, nhìn nhận: “VN đã có hàng ngàn kỹ sư thiết kế chip và nhiều người trong số họ có kinh nghiệm làm việc hơn 15 năm, đủ năng lực làm việc ở thị trường quốc tế. VN cần tận dụng các khoản đầu tư này để giúp đất nước có năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, Nhật Bản, Hàn Quốc từng tận dụng sức mạnh của lĩnh vực chip để phát triển giàu mạnh”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Chính phủ sẽ đồng hành cùng TP.HCM trong mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch, đồng thời sẽ luôn lắng nghe đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học để từ đó có những chính sách kịp thời, hợp lý nhằm tạo ra thế mạnh cho thiết kế, chế tạo vi mạch. “TP.HCM cần xây dựng các vườn ươm tài năng kết hợp với các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu nhằm có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực vi mạch. Nghị quyết 98/2023 đã trao cho TP sự chủ động phát triển nên cần tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong đổi mới sáng tạo để nâng cao vị thế trong cuộc cách mạng vi mạch. Chính phủ cam kết sẽ song hành bằng thực thi những chính sách thuận lợi nhất, giúp TP phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ vi mạch” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. TP.HCM đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: MINH HOÀNG | PHƯƠNG MINH QUANG HUY MINH HOÀNG Pháp luật TPHCM
|