PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Không nên đưa ngân hàng vào đối tượng được giảm 2% thuế VAT
Sau khi cân nhắc các mặt được và mất, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng không nên đưa ngân hàng nói riêng hay các tổ chức tài chính nói chung vào nhóm đối tượng được miễn, giảm 2% thuế VAT.
* Đề xuất ngân hàng thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế GTGT
* Kéo dài thời hạn giảm 2% thuế VAT: Cần, nhưng chưa đủ?
Ngày 24/10/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc góp ý kiến đối với dự thảo đề xuất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 (dự thảo).
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống nhất với nội dung đề xuất về chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và bổ sung nội dung này vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 để trình Quốc hội ra Nghị quyết chung (không ban hành Nghị quyết riêng về giảm thuế VAT để đảm bảo tiến độ thực hiện, sớm đưa giải pháp vào thực hiện trong thực tế).
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, hoạt động của các TCTD hiện hết sức khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao, kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các TCTD dự báo giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là TCTD quy mô nhỏ, trong khi các TCTD vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, để tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế VAT trong Báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 để trình Quốc hội ra Nghị quyết chung.
Trước đề xuất này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế chia sẻ, trên thực tế việc xác định đối tượng nào được miễn, giảm 2% thuế VAT thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế
|
Trước đó, từng có đề nghị thêm ngân hàng vào đối tượng được miễn, giảm 2% thuế VAT, nhưng Quốc hội xét thấy không hợp lý nên không thông qua, và lần này các ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn hơn so với thời gian khác. Tuy nhiên, việc Hiệp hội đề nghị còn phải chờ Quốc hội có thông qua hay không, sau khi Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét.
Ông Thịnh chia sẻ thêm tác động của việc giảm 2% thuế VAT với hệ thống ngân hàng không quá lớn và việc này cũng không có tác động nhiều như khi giảm 2% thuế VAT cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng, vì lúc đó sẽ có nhiều tác động khác tới nền kinh tế như kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng….
Riêng đối với hệ thống ngân hàng không có tác dụng như thế, cho nên việc hệ thống ngân hàng đề xuất giảm 2% thuế VAT, ông Thịnh cho rằng phía Quốc hội cũng cần có tính toán cân nhắc cho phù hợp.
Theo quan điểm của chuyên gia này, không nên đưa đối tượng ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nói chung vào diện được miễn, giảm 2% thuế VAT.
Vì sao không nên đưa ngân hàng vào đối tượng được giảm 2% thuế VAT?
Lý giải cho nguyên nhân vì sao đưa ra đánh giá này, ông Thịnh cho biết, nếu như việc miễn giảm với sản xuất thì nó có tác động đến đầu vào, đầu ra và ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân, mọi người dân đều được giảm giá hàng hóa.
Còn hệ thống ngân hàng, bản thân 2% thuế VAT đối với hệ thống ngân hàng đã rất nhỏ, gần như không đáng kể, vì thế cho nên vẫn phải xem xét, suy tính khi giảm thuế VAT cho ngân hàng được lợi và hại gì. Sau khi cân nhắc, trên quan điểm của mình, ông Thịnh khẳng định lại không nên giảm 2% thuế VAT cho hệ thống ngân hàng.
Cát Lam
FILI
|