Thứ Năm, 05/10/2023 16:58

Nghịch lý “thuốc rẻ” tại thị trường dược Việt Nam: Cuộc chơi nhiều thách thức

Suốt nhiều năm, các ông lớn thuốc gốc chỉ phải đối đầu với nhóm generic - đa phần là các công ty nội địa - ở thời điểm thuốc generic chưa tạo dựng được nền tảng và danh tiếng cho các bệnh nhân và cả chuyên gia y tế. Bấy lâu nay, thuốc generic thường được gắn với nhãn “của rẻ là của ôi”.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Andriy Samoylovych – Giám đốc điều hành tại Stada Việt Nam, một trong những nhà sản xuất dược phẩm có trụ sở tại Đức .

Trong lĩnh vực dược, thuốc được chia làm hai loại: thuốc Gốc (Original, hay biệt dược) và thuốc Generic (thuốc bản sao). Thuốc gốc là các loại thuốc mới được phát triển, được nhà sản xuất đặt tên nhằm chỉ ra hoạt chất trong thuốc. Trong khi đó, thuốc Generic do các nhà sản xuất khác tạo ra với thành phần hoạt chất và hiệu quả điều trị tương tự, và thường có giá rẻ hơn.

Hệ sinh thái của ngành dược phẩm suốt nhiều năm qua có thể được xác định như sau: Các công ty nghiên cứu, sáng chế ra các loại thuốc biệt dược (còn gọi là thuốc gốc) với giá cao. Sau đó, các công ty “generic” sẽ tiếp cận, sản xuất ra các loại thuốc tương tự về chất lượng nhưng ở mức giá mềm hơn, dễ tiếp cận hơn cho người tiêu dùng.

Nhìn chung, dòng thuốc generic chiếm một vai trò rất lớn đối với mọi hệ thống y tế trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế suy thoái, khi người dân cần thắt lưng buộc bụng.

Dù chưa bao giờ thực sự rõ ràng, nhưng cơ chế thì đúng ở hầu hết các thị trường. Đó là, các công ty dược tạo ra một loại thuốc mới, bán ra thị trường trong 15-20 năm ở mức giá cao (để bù lại chi phí nghiên cứu) với sự bảo hộ của bằng sáng chế. Sau đó, làn sóng thuốc generic tràn đến, tạo ra các loại thuốc có giá thấp hơn nhiều lần, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuốc và giảm gánh nặng cho dịch vụ công. Các công ty “thuốc gốc” lúc này tiếp tục nghiên cứu để tạo ra loại thuốc mới, hình thành một vòng lặp liên tục, nơi tất cả đều có vai trò riêng.

Thị trường Việt Nam có khác biệt?

Nhiều người có thể cho rằng những “người chơi” mạnh nhất trên thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ là các công ty thuốc generic. Nhưng thực chất, 4 trên 5 công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam là các doanh nghiệp làm thuốc gốc.

Đi sâu hơn, có thể thấy các “ông lớn” này vẫn đang chủ yếu dựa vào các sản phẩm dược nền tảng từ cách đây 20-40 năm, với những hoạt chất từ lâu đã được nhóm generic tiếp quản. Ít nhất, phân nửa số nhà dược phẩm gốc tại Việt Nam đang bán các sản phẩm như vậy. Nếu không tính vaccine (loại sản phẩm có thị trường khác biệt), tỷ lệ có thể lên tới hơn 70%.

Các sản phẩm này đa số nằm trong lĩnh vực thiết yếu như thuốc kháng sinh, tiểu đường, tim mạch, thường được bán ở mức giá từ 3-5 lần so với nhóm generic. Vậy mà, nó chiếm khoảng 50% thị phần.

Có ý kiến cho rằng đây là câu chuyện thuần về cạnh tranh và chẳng có gì phải lo lắng. Nhưng có thật là như vậy không?

Thuốc rẻ chiếm ít thị phần, tại sao?

Không có câu trả lời đồng nhất cho vấn đề này. Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là nhiều “ông lớn” thuốc gốc đã tạo lập vị trí của mình từ 20-25 năm trước, định vị bản thân ở phân khúc thuốc cao cấp. Họ chỉ phải đối đầu với nhóm generic - đa phần là các công ty nội địa - ở thời điểm thuốc generic chưa tạo dựng được nền tảng và danh tiếng cho các bệnh nhân và cả chuyên gia y tế. Suốt nhiều năm trời, thuốc generic thường được gắn với nhãn “của rẻ là của ôi”.

Những năm sau này, khi các nhà sản xuất thuốc generic đã tiến bộ hơn cả về chất và lượng, bệnh nhân vẫn thường nhận được câu hỏi lựa chọn từ dược sĩ: “thuốc ngoại hay thuốc nội?”. “Ngoại” ở đây là các sản phẩm gốc có giá cao, còn “nội” là nhóm thuốc rẻ hơn từ các công ty generic nội địa.

Dĩ nhiên, bệnh nhân sẽ chọn thứ họ cho là tốt hơn, miễn là đủ khả năng chi trả.

Bệnh nhân thường sẵn sàng chi trả cho các loại thuốc tốt, miễn là đủ khả năng

Có nghĩa, các bệnh nhân tại Việt Nam vẫn đang trả mức giá cao hơn nhiều lần để nhận được loại thuốc được tin là chất lượng tốt hơn, dù thực tế các thuốc generic nội địa có thể cho hiệu quả tương đương. Điều này cũng áp dụng cho nhóm bệnh nhân thuộc tầng lớp đang bị tổn thương vì nền kinh tế phục hồi chậm chạp hậu đại dịch, nơi số tiền họ bỏ ra để mua thuốc có thể đáp ứng nhiều nhu cầu thiết yếu khác.

Không chỉ vậy, câu chuyện này cũng tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế công, khi phải chi nhiều tiền cho “thuốc gốc” vốn ra đời từ rất lâu và đã có nhóm generic thay thế.

Vấn đề cũng không dừng lại ở chi phí. Khi các công ty thuốc gốc tiếp tục tập trung, quảng bá và bảo vệ thị phần cho loại thuốc quá lâu năm, họ không còn thời gian, nguồn lực để mang đến các loại thuốc mới cho thị trường. Hệ quả mà hệ thống phải gánh chịu là gấp đôi, khi bệnh nhân và dịch vụ công đều phải trả nhiều tiền hơn mà không có thuốc mới để sử dụng.  

Giải pháp là gì?

Để tạo ra giải pháp cho vấn đề này là phức tạp. Nhưng rõ ràng, ngành công nghiệp thuốc generic cần phải có bước đột phá lớn để “quảng bá” bản thân cho bệnh nhân và các chuyên gia y tế, tạo dựng danh tiếng về chất lượng, và xây dựng niềm tin.

Mặt khác, các ông lớn thuốc gốc cần phải trở lại đúng giá trị và mục tiêu của mình, là tiếp tục nâng cấp thuốc, tập trung mang đến các đột phá về dược phẩm cho Việt nam.

Trong một hệ thống y tế, cả hai bên đều cần nỗ lực và thời gian, nhưng kết quả sau cùng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai và toàn xã hội.

Câu hỏi còn đọng lại là “liệu làm vậy có đủ”? Dưới góc nhìn của các học giả, tác động từ thị trường có thể là lý tưởng. Nhưng nếu muốn có thay đổi nhanh chóng và hiệu quả, cần sự tác động từ hệ thống y tế công để quảng bá thuốc generic, với tư cách là sản phẩm dễ tiếp cận và hiệu quả về chi phí.

Châu An

FILI

Các tin tức khác

>   Ba thứ trưởng 'thoát tội' trong đại án Việt Á (05/10/2023)

>   Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài lãi, lỗ ra sao? (05/10/2023)

>   Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện năm 2023 (05/10/2023)

>   Công an Hà Nội khởi tố nguyên Tổng Giám đốc VEAM Nguyễn Thanh Giang (05/10/2023)

>   Phó Thủ tướng: Xem xét, thống nhất giải pháp xử lý dứt điểm Dự án Bột giấy Phương Nam (05/10/2023)

>   Đồng Nai: Hết 9 tháng, nhiều đơn vị vẫn chưa giải ngân vốn đầu tư công (05/10/2023)

>   Chính phủ báo cáo gì với Quốc hội về vật liệu xây dựng làm cao tốc? (04/10/2023)

>   Doanh nghiệp tìm cách ứng phó trước biến động tỉ giá (04/10/2023)

>   Nhân vật ‘cầm tay chỉ việc’ cho Chủ tịch Việt Á làm sai, thu lợi ngàn tỷ (04/10/2023)

>   Dừng hoạt động nhà máy mía đường lớn nhất Hòa Bình (03/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật