Doanh nghiệp tìm cách ứng phó trước biến động tỉ giá
Sự biến động của tỉ giá đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thương mại ở cả chiều nhập khẩu và xuất khẩu nhưng doanh nghiệp Việt vẫn có thể chủ động kiểm soát.
Nhiều người tiêu dùng cho biết thời gian qua giá thực phẩm và đồ gia dụng, nhất là sản phẩm nhập khẩu đã có sự thay đổi khá nhiều. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới giá thành tiêu dùng chính là tỉ giá thay đổi mỗi ngày.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng giá
Chị Quỳnh Như (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết trong hai lần gần nhất, chị đặt hai thùng sữa bột nhập khẩu từ Mỹ cho con sử dụng, giá trị mỗi đơn hàng đều tăng không dưới 300.000 đồng so với những lần trước đó. Nguyên nhân được lý giải là do chi phí logistics quốc tế, tỉ giá thay đổi liên tục.
Ông Hoàng Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH TM Xuất nhập khẩu THC Việt Nam, thông tin: Hơn hai tháng nay, mỗi container thực phẩm các loại do công ty nhập về đã tăng 5%-7%. “Hiện nay, mỗi lô hàng chúng tôi phải chịu thêm ít nhất 100 triệu đồng. Nếu muốn có lời thì phải tăng giá bán lẻ lên ít nhất 8%-10 % so với trước” - ông Cường nói.
Tương tự, ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty Hải sản Hoàng Gia, cho biết đang đau đầu với vấn đề tỉ giá thay đổi từng ngày. Trong khi đó mỗi tháng doanh nghiệp (DN) nhập khẩu các loại hải sản từ gần 10 quốc gia khác nhau và hầu hết được thanh toán bằng đồng USD. Chính vì thế, tỉ giá tăng đã tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty, nhất là trong bối cảnh sức mua còn chưa phục hồi.
“Trước đây 1 triệu USD tôi chỉ cần bỏ ra 23 tỉ đồng, trong khi đó giờ đã tăng gần 25 tỉ đồng. Trong khi đó, việc tăng giá bán ở nội địa cần cân nhắc rất kỹ, vì thế chúng tôi vẫn đang gồng mình cho các khoản chênh lệch tỉ giá trên” - ông Trường nói.
Không chỉ thực phẩm, hàng điện máy cũng rục rịch thay đổi giá từ tháng 9 vừa qua. Đại diện một DN hàng thiết bị điện tử cũng nhìn nhận giá các mặt hàng thiết bị điện tử như tủ lạnh, máy giặt hiện đã có chiều hướng tăng.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa hưởng lợi
Ngay cả các DN xuất khẩu cũng thông tin chưa hưởng lợi gì nhiều từ sự gia tăng của tỉ giá.
Một lãnh đạo của CTCP Nam Việt (Navico - DN xuất khẩu cá tra) cho biết đáng lý ra đơn vị chuyên xuất khẩu như Navico phải hưởng lợi lớn từ tỉ giá. Thế nhưng hiện nay DN vẫn đang xuất khẩu bằng giá vốn, bởi sức mua của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ chưa phục hồi.
Ngay cả trong ngành gỗ, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất - Thương mại Sadaco, cho biết tỉ giá lên là tín hiệu vui của DN xuất khẩu như Sadaco. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu không phải quá nhiều để gọi là thu lời lớn.
“Chưa kể, tỉ giá tăng thì ở chiều ngược lại, nguyên liệu gỗ nhập về để sản xuất cũng tăng theo. Các vấn đề nợ vay từ đồng USD và VND đang cao cùng nhiều chi phí chi trả cho thị trường nội địa đang là vấn đề “toát mồ hôi” của DN. Tóm lại dù đang xuất khẩu thì tỉ giá lên chưa phải là vui như bắt được vàng” - ông Mạnh nói.
Ứng phó với tình hình khó khăn
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng: Để thúc đẩy doanh số, DN cần tập trung vào mẫu mã mới, tiếp tục đẩy mạnh các đơn hàng, kể cả đơn hàng nhỏ ở thị trường trọng điểm. Đồng thời phát triển các thị trường ít bị ảnh hưởng và tiềm năng như Trung Đông để thúc đẩy doanh số cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Ở góc độ sản xuất, ông Trần Quốc Mạnh cũng cho biết đơn vị đang nỗ lực phát triển mẫu mã, duy trì các đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời tìm kiếm thị trường mới cho những tháng cuối năm để tăng lượng hàng xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa.
Lãnh đạo Navico cũng thông tin từ đầu năm tới nay DN này tăng cường thị phần nội địa bằng cách kết hợp với các DN bán lẻ trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ cá tra.
Trong khi đó, DN nhập khẩu như hải sản Hoàng Gia cũng đang tăng cường các nguồn hàng hải sản trong nước. Cạnh đó, DN cũng cơ cấu lại nhân sự, tính toán lại các chi phí để có khấu hao thấp nhất.
“Đồng thời, hiện DN đang đàm phán với một số khách hàng chuyển qua thanh toán bằng đồng đô la Úc nhưng không phải đối tác ngoại nào cũng đồng ý. Chúng tôi cũng đang làm việc với ngân hàng để xem xét thời điểm mua ngoại tệ được tốt nhất” - ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty Hải sản Hoàng Gia, chia sẻ.
Dẫu vậy, ông Trường cũng kỳ vọng có thể Mỹ sẽ hạ lãi suất vì đã kiểm soát được lạm phát. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có nhiều biện pháp kiểm soát tỉ giá. “Do đó từ nay đến cuối năm tôi kỳ vọng tỉ giá chỉ quanh mức 24.500 đồng/USD” - ông Trường nói.
Hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn
Theo tôi, cuối năm là giai đoạn DN tăng cường xuất nhập khẩu để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Chính vì thế NHNN cần có nhiều phương án hài hòa tỉ giá và dòng vốn để DN có thể tiếp cận.
Ngoài ra, hiện nay lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn vẫn đang cao. Việc cần làm là NHNN giảm lãi suất và kéo dài thời hạn vay cho DN, để DN có thêm động lực tăng trưởng những tháng cuối năm.
Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco
Tỉ giá vẫn nằm trong vòng kiểm soát
Tôi cho rằng việc tăng tỉ giá trong thời điểm vừa qua chỉ mang tính chất thời điểm. Từ nay đến cuối năm, với nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN hoàn toàn đủ sức để giữ ổn định tỉ giá hối đoái, thì tỉ giá USD/VND sẽ tăng đâu đó khoảng 2%-3%.
Để phòng rủi ro tỉ giá, DN có thể lựa chọn các biện pháp quản trị như lựa chọn ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại tốt; sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, nghiên cứu xem xét thời điểm phù hợp để mua ngoại tệ…
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế
|
THU HÀ
Pháp luật TPHCM
|