Long An: Cần biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn Chuyên gia cho rằng, tỉnh Long An cần dựa vào thế mạnh hệ thống sinh thái, tạo điều kiện nhà đầu tư tổ chức nhà văn hóa du lịch tại chỗ, tổ chức sinh hoạt tập thể vào ban đêm kết hợp văn hóa sông nước. Ngày 18-10, Sở Du lịch TP.HCM cùng phối hợp với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá điểm đến sản phẩm du lịch liên kết TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh Long An. Chuyến khảo sát tại 5 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tại Cảng Quốc tế Long An, đoàn đã tham gia khảo sát và đóng góp các giải pháp hoàn thiện sản phẩm du lịch của tỉnh Long An với mong muốn tạo nên trải nghiệm mới, đem đến cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) du lịch. Đoàn khảo sát sản phẩm du lịch liên kết TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) góp ý hoàn thiện sản phẩm du lịch tại tỉnh Long An. | Ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết tỉnh Long An có vị trí khá thuận lợi, nằm cạnh trung tâm kinh tế của cả nước TP.HCM. Là vùng đất có hệ sinh thái của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, 125 di tích văn hóa, lịch sử, đặc biệt hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Ông Quốc nói thêm: Dù tiềm năng có nhiều nhưng để trở thành sản phẩm du lịch là câu chuyện dài. Chúng tôi phải tiếp tục nâng cao để hoàn thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách, biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. "Hiện nay, tỉnh đang tìm kiếm hình ảnh du lịch định vị thương hiệu du lịch Long An trên bản đồ du lịch. Chương trình khảo sát, đánh giá điểm đến sản phẩm du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là điều cần thiết." - ông Quốc nói. Ông Phan Đông Nhựt, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong thời gian qua TP.HCM phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL đẩy mạnh hoạt động liên kết qua 5 nội dung: Quản lý nhà nước, sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, nhân lực và đầu tư. Theo ông Nhựt, tỉnh Long An có nhiều thuận lợi so với TP.HCM. Trong 100 DN thường xuyên tham gia hoạt động liên kết xúc tiến quảng bá đã có hơn 80 sản phẩm chương trình tour đơn tuyến và đa tuyến. "Tỉnh tận dụng lợi thế của cảng quốc tế Long An, nối dài tuyến tàu biển đến trung tâm tỉnh Long An, đây là dòng khách cao cấp và chi tiêu cao. Để đón được khách tàu biển cần sản phẩm trên bờ, dịch vụ trên đất liền." - ông Nhựt góp ý. Đoàn khảo sát tham quan Tổ Đình Tôn Thạnh (ấp Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc). | Ông Huỳnh Quang Vũ, Giám đốc Công ty Phong Cách Việt, góp ý: Các cơ sở lưu trú còn thiếu, chưa có đặc thù sản phẩm du lịch giữ chân du khách ở lại. Chúng tôi chỉ thiết kế tour 1 ngày mà chưa thiết kế tour lưu trú qua đêm. "Tôi đề xuất tỉnh xây dựng các hoạt động chợ đêm thu hút du khách trong, ngoài nước và tạo sản phẩm du lịch đặc thù."- ông Vũ nói. Ngoài ra, tỉnh Long An cần dựa vào thế mạnh hệ thống sinh thái, tạo điều kiện nhà đầu tư tổ chức nhà văn hóa du lịch tại chỗ, tổ chức sinh hoạt tập thể vào ban đêm kết hợp văn hóa sông nước. Các công ty lữ hành mong muốn có được nhiều hơn trong các sản phẩm hiện hữu, tuy nhiên cần có đặc thù riêng. THU TRINH Pháp luật TPHCM
|