Bùng nổ điện tái tạo

Từ 2017-2021, để thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Mức giá cao tại Biểu giá ưu đãi (giá FIT 2.086 đồng/kWh cho điện mặt trời, 1.900 đồng với điện gió) đã thu hút hàng chục tỷ USD của khu vực tư nhân vào điện mặt trời, điện gió.

Từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng sản lượng điện, đến nay, điện tái tạo đã chiếm khoảng 16,2% sản lượng điện toàn hệ thống.

Trước hết, sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt đầu tư điện mặt trời là Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”. Giá điện mặt trời ở mức 2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Tính đến 1/1/2021 - thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời - tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đã lên tới 16.500MW.

Điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng

Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.644 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất) theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Song, điện mặt trời mái nhà lại có mức giá lên tới 8,38 cent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh. Điều này đã thu hút nhiều người dân và doanh nghiệp làm điện mặt trời mái nhà.

Còn với điện gió, sau khi có Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018, lĩnh vực này cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá FIT cho điện gió là 8,5 cent/kWh, tương đương 1.928 đồng/kWh theo tỷ giá thời điểm 2018.

Nhờ đó, đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện gió tăng một mạch, từ hơn 100MW lên 4.126 MW.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW. Trong đó, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất toàn hệ thống, chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. 

Điện mặt trời là nguồn điện có giá rẻ nhất trong các loại nguồn điện sẽ được phát triển trong thời gian tới nên cần được ưu tiên phát triển. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà để tăng khả năng tự cung cấp điện cho các hộ gia đình; dự kiến đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Chuyển đổi sang năng lượng sạch

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng: Phát triển năng lượng tái tạo, kết hợp với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã tạo thành lợi thế hàng đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Ba khía cạnh chính đặc trưng và làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong giai đoạn tới: hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và điện khí hóa. Trong đó năng lượng tái tạo sẽ nổi lên như một nguồn năng lượng được phát triển nhanh nhất.

Các nguồn năng lượng tái tạo chính là năng lượng sinh khối, thủy điện, mặt trời và gió. Trong đó, năng lượng mặt trời và năng lượng gió có tốc độ phát triển rất nhanh, trong khi các nguồn khác cũng đang được quan tâm phát triển. Sự tăng trưởng nhanh nhất trong năng lượng tái tạo chủ yếu ở ngành điện. Dự kiến đến năm 2050, nguồn năng lượng tái tạo sẽ cung cấp 80-90% nhu cầu năng lượng toàn quốc.

Với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt khoảng 80-90% vào năm 2050 (kịch bản theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26).

Theo ông Nguyễn Văn Vy, năm 2014 Việt Nam phát thải 172 triệu tấn CO2. Năm 2050, để thực hiện mục tiêu trung hòa khí nhà kính, ngành năng lượng phải giảm phát thải còn khoảng 50-100 triệu tấn CO2. Như vậy, đến năm 2050, nguồn điện không phát thải (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, thu giữ CO2,... ) chiếm khoảng 80-90% sản lượng điện sản xuất, nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chỉ còn 10-20%.

Chuyên gia này cho rằng: Những đổi mới công nghệ, tiến bộ công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện. Công nghệ lưu trữ năng lượng đang được phát triển rất nhanh, hỗ trợ lớn cho việc ổn định hệ thống điện có các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ lệ cao.