Thứ Ba, 17/10/2023 09:00

Làm sao để cải thiện tăng trưởng tín dụng?

Mặc dù lãi suất cho vay đã được giảm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng dường như tình hình tăng trưởng tín dụng vẫn chưa được cải thiện.

Số liệu từ NHNN cho biết, tính đến 29/09/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 6.92% và mức này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Lãi suất vay thấp chưa phải là vấn đề

Theo chủ trương của NHNN, từ đầu năm đến nay lãi suất huy động giảm xuống nhằm góp phần giảm lãi suất vay, hỗ trợ cho người dân, sản xuất kinh doanh để phục hồi nền kinh tế.

Lãi suất huy động hiện tại đã khá thấp và về mức gần như trước dịch COVID-19, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã về mức 5.3-6.25%/năm, thế nhưng, ghi nhận tại một số ngân hàng thương mại lãi suất cho vay vẫn ở mức 8-9%/năm.

Anh H. (quận 7) – chủ một doanh nghiệp tư nhân cho biết, khi liên hệ một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn quận đang cư trú để vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, anh H. nhận được tư vấn với mức lãi suất gần như không thay đổi so với trước. Ngân hàng này áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp mới là 9%/năm và 9.5%/năm đối với khách hàng cũ cho thời hạn vay từ 6-9 tháng. Trong thời gian vay, nếu thanh toán trước sẽ không bị tính phí phạt trả trước hạn.

Tìm hiểu tại Vietbank, chương trình lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân với mục đích bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư tài sản cố định và phục vụ nhu cầu đời sống, mức lãi suất cố định cho 3-9 tháng đầu dao động từ 7.7-9.5%/năm.

Sau đó, lãi suất cho vay sẽ thay đổi 3 tháng/lần, được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ tối thiểu. Lãi suất cơ sở ngắn hạn (dưới 12 tháng) ngân hàng này áp dụng là 10.5%/năm và dài hạn (trên 12 tháng) là 11%/năm.

Phí trả nợ trước hạn nếu khách hàng vay từng lần là 0.5% trên số tiền trả nợ trước hạn, trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn trong vòng 30 ngày trước thời điểm kết thúc khoản vay thì được miễn phí phạt.

Hay như VIB, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng với số tiền tối đa từ 500-600 triệu đồng, kỳ hạn 60 tháng, sẽ được hưởng mức lãi suất từ 14-16%/năm. Phí tất toán trước hạn năm 1 là 4%, năm 2 là 3% và từ năm thứ 3 trở đi là 2%. Mức lãi suất vay thế chấp thấp nhất VIB đang áp dụng là 7.5%/năm.

Techcombank áp dụng lãi suất cơ sở chuẩn cho các khoản vay mua bất động sản, vay tiêu dùng thế chấp, vay mua ô tô là 7.5%/năm. Lãi suất cho các khoản vay tín chấp dao động từ 13.78-16%/năm và vay tín chấp là 7.49%/năm.

Còn tại OCB, lãi suất vay cá nhân dao động trong khoảng 6.99-8.99%/năm tùy từng mục đích vay. Lãi suất vay cho khách hàng thực hiện các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế được OCB hỗ trợ chỉ từ 6.5%/năm, áp dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ. Khách hàng vay mua nhà ở sẽ được áp dụng lãi suất chỉ từ 6.99%/năm…

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB cho biết, trong khoảng vài tháng trở lại đây, tình hình cho vay bắt đầu rục rịch tăng trưởng, ở tất cả các phân khúc như doanh nghiệp bán lẻ, cho vay hộ kinh doanh, gia đình. Riêng phân khúc cho vay mua nhà vẫn còn thấp, thậm chí khách hàng trả nợ là chính, không có nhu cầu vay mới.

Lãi suất vay hiện tại đã giảm khá sâu, lãi suất cho vay bình quân dao động quanh 7-8%/năm nếu áp dụng các chương trình khuyến mãi và xoay quanh 10%/năm nếu không áp dụng khuyến mãi.

Vị Tổng Giám đốc cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ còn giảm tiếp nhưng không sâu như giai đoạn trước vì lãi suất hiện tại đã khá thấp rồi.

“Nhu cầu vay của doanh nghiệp không phải chỉ chịu ảnh hưởng bởi lãi suất vay, mà còn nhiều yếu tố khác, không phải lãi suất thấp là doanh nghiệp có nhu cầu vay.

Vấn đề cơ bản là bản thân hoạt động của doanh nghiệp, đầu ra sản phẩm có thì doanh nghiệp mới có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, mới đi vay. Khi nhu cầu sản xuất hàng hóa giảm, thì nhu cầu vay cũng giảm theo. Chưa kể đến, thị trường nói chung đang biến động, nên bản thân doanh nghiệp cũng chuyển từ thế công sang thế thủ, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, phòng trường hợp có biến động xấu. Chờ khi thị trường tăng trưởng, nhu cầu vay của doanh nghiệp sẽ tăng trở lại.

Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều, dưới sự can thiệp kịp thời của NHNN , trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp đã hoạt động thận trọng hơn, vay nợ ít đi, đây là hướng đi hợp lý”, Tổng Giám đốc OCB chia sẻ thêm.

Làm sao cải thiện tăng trưởng tín dụng?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho biết, vấn đề quan trọng nhất chính là doanh nghiệp có vay hay không, có đủ điều kiện vay không. Về phía ngân hàng chỉ có thể kích cầu bằng cách đơn giản hóa thủ tục, làm nhanh nhất có thể khi doanh nghiệp đủ điều kiện.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng nếu không đủ điều kiện, thì ngân hàng cũng không thể cho vay, vì nếu cho vay không đáp ứng điều kiện quy định, khi có rủi ro chính ngân hàng đó phải nhận nợ xấu.

Từ trước đến nay, các ngân hàng đều đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khi doanh nghiệp có đơn hàng ra nước ngoài, sẽ hỗ trợ thương mại cho ngân hàng vay vốn.

Còn 3 tháng nữa hết năm, ông Thịnh nhận định tình hình tín dụng vẫn còn khó, bởi vì chủ yếu hiện nay doanh nghiệp không cần vay vốn, do không có đơn hàng xuất khẩu, ngược lại những doanh nghiệp muốn vay thì không đủ điều kiện.

Do đó, để cải thiện tình hình tín dụng chỉ có thể do chính tự thân doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, khi có đơn hàng, có nhu cầu sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới vay vốn, còn hiện tại vẫn khá khó khăn.

Kích cầu kinh tế

TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng, nếu muốn cải thiện tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ có kích cầu nền kinh tế. Vấn đề hiện tại chính là ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn.

Doanh nghiệp thiếu vốn do không vay vốn được vì không đủ điều kiện vay, ngân hàng rất khó để cho vay dưới chuẩn hoặc hạ chuẩn cho vay xuống.

Chỉ còn việc kích cầu để doanh nghiệp có đơn hàng, để chủ động vay vốn sản xuất kinh doanh. Vậy nên những chính sách tài khóa như giảm thuế, miễn thuế,… phải đẩy mạnh từ nay đến cuối năm.

Đối với doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay, ngân hàng có thể cân nhắc hạ chuẩn về tài sản đảm bảo, nhưng vẫn đảm bảo trong mức độ quản lý rủi ro cho phép của ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn phải giữ tiêu chuẩn về việc chứng minh dòng tiền, vì đó là khả năng doanh nghiệp có thể thanh toán các khoản nợ trong tương lai.

Còn những doanh nghiệp còn lại, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang khó khăn, họ không có nhu cầu mở rộng sản xuất, nên chỉ có thể kích cầu từ phía tiêu trong nước.

Thậm chí phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, như phát tiền cho người dân (như Thái Lan đã làm) để kích cầu tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Để kích cầu tiêu dùng trong nước, thì phải giảm thuế, hiện tại chính sách hỗ trợ đang giảm 2% thuế VAT, có thể đề xuất giảm 100% thuế VAT.

Thêm nữa, có thể kỳ vọng xuất khẩu từ giờ đến cuối năm cải thiện sẽ hỗ trợ phần nào cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay cũng chưa phù hợp, có thể giảm thuế hoặc miễn thuế TNCN cho người dân, như thế tiền trong túi người dân bắt đầu nhiều, họ sẽ thoải mái chi tiêu hơn, còn bây giờ tâm lý vẫn là tiết kiệm và phòng ngừa rủi ro thì người dân không dám chi tiêu nhiều.

* Lãi suất tiền gửi tạo đáy mới

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Dòng chảy của tiền (kỳ 1): Tỷ giá và phép thử thanh khoản (17/10/2023)

>   World Bank xem xét dành đến 7 tỷ USD cho các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam (16/10/2023)

>   VPBank ghi nhận thanh khoản dồi dào, tăng trưởng tín dụng chọn lọc (16/10/2023)

>   Giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus: Kiến nghị tăng giới hạn sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt (16/10/2023)

>   Hoạt động tín dụng trên địa bàn TPHCM trong tháng 9/2023 tăng 0.72% (16/10/2023)

>   Thống đốc Ngân hàng nói về thời điểm xảy ra việc rút tiền tại SCB (16/10/2023)

>   VPBank chốt quyền chia cổ tức 10% bằng tiền (16/10/2023)

>   Giá USD lấy lại đà tăng (15/10/2023)

>   Nếu tỷ giá vẫn chịu áp lực… (14/10/2023)

>   Giao dịch chuyển tiền sẽ bắt buộc xác thực khuôn mặt (14/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật