Kích hoạt nguồn tín dụng xanh Cộng đồng doanh nhân đề xuất kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ về mặt lãi suất cho vay với các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA): Doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng DN mà cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp với nội lực của DN vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi có đến 99% DN Việt có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nội lực cạnh tranh yếu, vốn đầu tư mỏng. Ông NGUYỄN NGỌC HÒA | Hiện các DN đang gặp khó trong triển khai tài chính xanh và thị trường carbon. Với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, nếu không triển khai ngay, có hướng dẫn, thông tin rõ ràng các tiêu chuẩn xanh, tín chỉ carbon… thì DN khó đạt xanh, không xanh đồng nghĩa với việc không xuất hàng đi đâu được. Vì vậy, để chuyển đổi xanh, DN rất cần các chương trình tín dụng xanh. Bên cạnh đó, đề xuất cơ quan quản lý có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho DN vay lại. Với TP.HCM, quá trình thực hiện Nghị quyết 98, TP cần kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ về mặt vốn vay và lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Ông DON LAM, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital: Ưu tiên đầu tư công ty khởi nghiệp có giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường Khi tôi và các đối tác thành lập VinaCapital vào năm 2003, khái niệm ESG (viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị DN) chưa chính thức tồn tại trên thế giới. Giờ đây thì các DN Việt đã nhận thức sâu sắc việc áp dụng ESG, xem đây là trách nhiệm bảo vệ môi trường, xã hội và là một cánh cửa dẫn đến tương lai của công ty. Chúng tôi thiết lập sứ mệnh kết hợp ESG vào các hoạt động đầu tư, văn hóa của tổ chức; hợp tác với các công ty trong danh mục đầu tư và giúp họ nâng cao năng lực thực hành ESG bằng cách gửi thư đề xuất thiết lập các chiến lược ESG rõ ràng cũng như khuyến khích triển khai các sáng kiến về ESG. Ông DON LAM | Song song đó, VinaCapital hợp tác với các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như GS Energy, EDF Renewables… đầu tư vào các dự án năng lượng sạch và tái tạo. Ví dụ như năng lượng mặt trời, điện gió trong bờ và ngoài khơi, điện khí hóa lỏng, sinh khối và hydro để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam không có khí thải carbon vào năm 2050. Trong các quyết định đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, chúng tôi luôn ưu tiên vào các DN tạo ra các giải pháp đột phá giải quyết các vấn đề về môi trường và tính bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực kinh tế trụ cột của Việt Nam. Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group: Phải có tiêu chí, hành lang pháp lý DN cần chủ động chuyển đổi xanh ngay trong hoạt động sản xuất của mình. Như xuất khẩu trái dừa vào thị trường Mỹ thì vỏ dừa, xơ dừa bỏ ra số lượng lớn nên chúng tôi nghĩ đến việc đầu tư nhà máy để giải quyết các loại phụ phẩm này làm phân bón và DN cũng thu được lợi nhuận từ các loại phụ phẩm từ trái dừa. Tuy nhiên, để phát triển được nhiều DN áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cần phải có tiêu chí, hành lang pháp lý. Nghĩa là khi DN đầu tư cho kinh tế tuần hoàn thì họ được vay hạn mức tín dụng như thế nào, được ưu đãi ra sao về đất đai... Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG | Thị trường thế giới ngày càng khó tính hơn với nông sản Việt Nam, họ đặt ra những tiêu chuẩn hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Hiện nay, một số nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng nhưng DN Việt muốn phát triển xuất khẩu, muốn cạnh tranh thì phải đầu tư ngay để có “hộ chiếu xanh” sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường. DN phải làm ngay chứ không đợi đến khi họ ra quy định bắt buộc, dựng hàng rào kỹ thuật thì lúc đó mình làm sẽ bị chậm, mất cơ hội, mất thị trường. Ví dụ như thị trường EU quy định cà phê nhập khẩu không được trồng trên đất rừng. Khi họ ra tiêu chuẩn này, mình phải đáp ứng ngay chứ không phải đi chứng minh mất thời gian, gián đoạn cơ hội xuất khẩu. Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM: Cần có các chương trình cụ thể Để TP.HCM phát triển kinh tế xanh cần đi từng bước thông qua các chương trình cụ thể, như khối vận chuyển và khối văn phòng nên vận hành số hóa nhằm hạn chế sử dụng giấy, vốn là một chỉ tiêu xanh. Một số khu vực và đơn vị nên sử dụng năng lượng thay thế điện. Để chuẩn bị cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TP.HCM cần huy động nguồn vốn từ Chính phủ và quốc tế nhằm vận hành các chương trình này. Bà LÝ KIM CHI | Bản thân các DN cũng đang tập trung vào phát triển bền vững và thúc đẩy công nghiệp xanh. Trong các khu công nghiệp đang vận hành hay các khu công nghiệp mới, DN đều hướng tới sản xuất trung hòa carbon và khí thải bằng 0, đồng thời sử dụng nguyên liệu, vật liệu sao cho hạn chế tối đa khí thải. PHƯƠNG MINH QUANG HUY Pháp luật TPHCM
|