Cử tri phản ánh gặp khó khăn do giá hàng thiết yếu tăng cao theo lương Bộ Tài chính cho biết, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Tiền Giang gửi đến sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Cử tri tỉnh Tiền Giang phản ánh, từ ngày 1-7 thực hiện tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Theo đó giá xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu đều tăng cao làm cho cuộc sống người lao động tự do có thu nhập thấp, việc làm không ổn định...gặp khó khăn hơn. Tương tự, cử tri tỉnh Bình Thuận cho biết, từ 1-7 mới tăng mức lương cơ sở nhưng trước đó các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá. Cử tri các tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ cần có các giải pháp để bình ổn giá thị trường; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm điều tiết, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; các cơ quan liên quan kiểm soát tốt giá cả hàng hóa, tránh tình trạng tăng giá thường xuyên các mặt hàng thiết yếu. Từ 1-7 lương cơ sở tăng, giá xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu đều tăng khiến người lao động có thu nhập thấp khó khăn. ẢNH: TÚ UYÊN | Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý, điều hành giá đã và đang được thực hiện nhất quán theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn. Trong chín tháng năm 2023, lạm phát đã cơ bản được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng đầu năm 2023 tăng 3,16%. Trước những diễn biến phức tạp của giá xăng dầu thế giới và chủ trương tăng lương cơ sở, từ đầu năm đến nay Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá.… Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định. Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá. Trong đó cần tăng cường tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng có dấu hiệu, xu hướng biến động tăng giá (những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá) để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|