Chuyên gia: Bất động sản vẫn cần trong danh sách giảm thuế VAT
Hiện Chính phủ rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho bất động sản với những chính sách và giải pháp kịp thời, tuy nhiên vẫn có “độ trễ” và cần thêm thời gian để thẩm thấu chính sách.
Mặc dù đã được hưởng nhiều “trợ lực” chính sách nhưng thị trường bất động sản vẫn kéo dài khó khăn và mong muốn được hưởng thêm ưu đãi giảm thuế. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
|
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Chín vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính rà soát để trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế Giá trị Gia tăng (VAT) thêm 6 tháng, tức là tới giữa năm 2024.
Mặc dù đã được hưởng nhiều “trợ lực” chính sách nhưng thị trường bất động sản vẫn kéo dài khó khăn và mong muốn được hưởng thêm ưu đãi giảm thuế.
Trước đó, ngày 30/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế Giá trị Gia tăng 2% theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng nhóm sản phẩm ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản không nằm trong đối tượng được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% của năm nay.
Trước những khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng nhóm này vẫn rất cần được đưa vào danh mục giảm thuế suất thuế VAT. Hiện Chính phủ rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho bất động sản với những chính sách và giải pháp kịp thời. Tuy nhiên, vẫn có “độ trễ” và cần thêm thời gian để thẩm thấu chính sách.
Trong khi đó, giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả, thậm chí là hiệu quả tức thời. Do đó, có thể đồng thời một lúc đạt nhiều mục tiêu, vừa thúc đẩy thị trường phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế chung, vừa tác động tích cực đến các ngành kinh tế quan trọng khác. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận và mua được nhà ở với giá thấp hơn, các chuyên gia nhận xét.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng giá bất động sản liên tục tăng và hiện nay vẫn neo ở mức cao khiến người có nhu cầu mua nhà để ở rất khó tiếp cận, đặc biệt là đối với những người có thu nhập trung bình và thấp.
Do đó, nếu nhóm kinh doanh bất động sản cũng được đưa vào danh mục giảm 2% thuế VAT, ít nhất giá nhà ở sẽ hạ theo tỷ lệ trên. Điều đó sẽ giúp cho người dân có cơ hội mua được nhà với chi phí thấp hơn và nhiều người sẽ có nhà ở hơn.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), cho rằng việc giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết nhóm ngành hàng là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng đáng tiếc là lại loại trừ một số lĩnh vực; trong đó có nhóm bất động sản và ngân hàng là những ngành có ảnh hưởng lớn đến rất nhiều ngành nghề khác và cả nền kinh tế.
Hơn 1 năm qua, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn, gây ảnh hưởng tới hàng chục ngành nghề khác, tác động rất xấu đến cả thị trường nói chung, ông Đức dẫn chứng.
Trong khi đó, VAT là loại thuế gián thu. Do vậy, bản chất sẽ không phải giảm thuế cho các doanh nghiệp bất động sản, cho người bán hàng, mà là giảm cho người tiêu dùng, chủ yếu là mua nhà ở và bất động sản khác.
Khu nhà ở xã hội Mê Linh-Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
|
“Cũng như các doanh nghiệp khác nói chung, doanh nghiệp bất động sản nếu về cơ bản nộp nhiều thuế VAT thì cũng sẽ được khấu trừ nhiều, nộp ít sẽ được khấu trừ ít,” Luật sư này phân tích.
Nhưng nếu nhóm ngành bất động sản được giảm 2% thuế VAT sẽ có tác động trực tiếp tới những người mua nhà, qua đó kích thích thị trường ấm lên trong bối cảnh đang có quá nhiều khó khăn như hiện nay. Hơn nữa, việc giảm 2% thuế VAT không kéo dài mãi, mà chỉ diễn ra trong 6 tháng.
Hơn nữa, thuế VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, chứ không phải đánh vào khâu kinh doanh. Vì vậy, giảm thuế VAT thực chất là giảm giá cho người mua, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản có thêm động lực phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Trần Văn Bình, Tổng Thư ký-Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là “chốt chặn” cuối cùng cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về trạng thái bình thường.
Thị trường bất động sản quý 4 này sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới từ “trợ lực” chính sách. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao./.
Thu Hằng
Vietnamplus
|