Kinh tế cảng biển đã trở thành chiếc “gậy thần chú” để nhiều thành phố, nền kinh tế trong khu vực vươn mình. Hải Phòng với những lợi thế sẵn có và chiến lược phát triển mạnh mẽ đang được kỳ vọng trở thành thành phố cảng tầm cỡ.
Chìa khóa thành công của các thành phố hàng hải quốc tế
Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải đã trở thành những thành phố, quốc gia giàu có bậc nhất châu Á, khi tận dụng hiệu quả tài nguyên địa lý và đạt tới mục tiêu trở thành “trung tâm logistics” của thế giới với công thức thành công chung.
Sở hữu lợi thế vị trị đắc địa hiếm có: ở cửa biển, có vùng nước sâu lý tưởng; cả 3 thành phố đều nằm trên tuyến đường trung chuyển hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Cảng Singapore ngày nay kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng thông quan chiếm tới gần 20% số container của thế giới. Lưu lượng thông quan năm 2021 của quốc đảo này đạt 37,5 triệu TEU, thu hút 130.000 lượt tàu trung bình mỗi năm, đóng góp 7% GDP và tạo ra hơn 170.000 việc làm.
Để hỗ trợ hoạt động logistics, bên cạnh việc tiên phong áp dụng công nghệ cao, nâng cấp quy trình giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, Chính phủ Singapore cũng đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại. Việc liên tục hoàn thiện hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, các tuyến đường cao tốc đã giúp quốc gia này trở thành trung tâm trung chuyển trọng yếu của khu vực.
Song song với hạ tầng cảng biển, sân bay quốc tế Changi của Singapore hiện đang là một trong những trung tâm vận chuyển hàng không quốc tế lớn nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ quan trọng của châu Á nói chung.
Từ cảng biển, Singapore phát triển đồng bộ, được coi là một trong bốn “con hổ” kinh tế của châu Á. Ảnh: Shutter stock |
Các yếu tố vị trí - hạ tầng - công nghệ cảng biển tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho phép Singapore phát triển, trở thành những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Kể từ năm 1986 đến nay, Singapore luôn là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trong khối ASEAN và thuộc Top 10 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới năm 2021. Quốc gia này cũng luôn được xếp hạng cao trong hầu hết các bảng xếp hạng quốc tế liên quan đến chất lượng kinh tế, dịch vụ - giải trí, giáo dục công, chăm sóc sức khỏe và tính cạnh tranh kinh tế. Thành công của lĩnh vực hậu cần đã tạo động lực để Singapore nói riêng và các thành phố hàng hải quốc tế nói chung phát triển đồng bộ cả kinh tế - xã hội, giải trí và du lịch, là điểm đến của công dân toàn cầu.
Hải Phòng: từ cửa ngõ ra biển đến thành phố hàng hải quốc tế
Sự thành công của những “siêu cường” khi tập trung vào lợi thế cảng biển mang đến nhiều bài học phát triển trọng tâm cho Hải Phòng - địa phương sở hữu lợi thế đặc biệt và nhiều nét tương đồng với các thành phố hàng hải quốc tế.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, vị trí địa lý đắc địa là lý do từ lâu Hải Phòng được chọn làm nơi xây dựng cảng biển và thực tế đã thành một thành phố cảng đắc địa, lớn nhất miền Bắc. Sự thành công của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là minh chứng cụ thể khi trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư của TP. Hải Phòng, với các dự án lớn của Tập đoàn LG (tổng vốn 9,24 tỷ USD); VinFast (khoảng 7,6 tỷ USD), Brigdestone (1,2 tỷ USD)...
Thành công của Khu kinh tế Đình Vũ, cùng tài nguyên địa lý sẵn có là tiền đề để Hải Phòng mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng, cùng với định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới.
Theo đó, công tác phát triển kết nối hạ tầng được được chú trọng triển khai. Thành phố đã mở rộng khai thác các cảng nước sâu, quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng, kết hợp với các tỉnh lân cận triển khai tuyến cao tốc ven biển kết nối 6 tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, trở thành động lực kinh tế - xã hội quan trọng của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Từ lợi thế kinh tế cảng biển, Hải Phòng được kỳ vọng trở thành điểm đến toàn cầu. Ảnh: Shutter stock |
Ngoài ra, từ những tiềm năng sẵn có về thiên nhiên sinh thái cùng các giá trị văn hoá lịch sử, Hải Phòng xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh. Tầm nhìn 2030 xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Đồ Sơn) trở thành trung tâm du lịch quốc tế của TP. Hải Phòng cũng từng bước khả thi khi ngày 16/9 vừa qua vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, là tiền đề để thành phố mở rộng quy mô quần thể du lịch biển liên tỉnh.
Các yếu tố tài nguyên địa lý để phát triển kinh tế cảng biển và du lịch, tầm nhìn quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng sẽ là bệ phóng đưa TP. Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, đồng bộ kinh tế thương mại - xã hội - du lịch như các thành phố hàng hải quốc tế, sớm cất cánh trở thành thành phố phát triển kinh tế, giải trí và du lịch nghỉ dưỡng, đưa vùng đất này trở thành điểm đến mới của những công dân toàn cầu.