Bộ Tài chính yêu cầu phân bổ hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công
Một trong những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là cơ chế chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm và thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị 8 địa phương thực hiện nghiêm việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)
|
Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy đạt tỷ lệ còn rất thấp.
Cụ thể, bình quân 8 tỉnh ước giải ngân đến hết tháng Chín đạt 49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trước đó giải ngân hết tháng Tám đạt 31,5%). Trong số đó, tỉnh Đắk Nông đạt cao nhất với 62,15% và Kon Tum là tỉnh giải ngân thấp nhất với 37,6%.
Đáng chú ý, một số dự án của 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân quá thấp, đặc biệt là các dự án có số giải ngân bằng 0 (tính đến ngày 15/9). Riêng số giải ngân các dự án có tỷ lệ dưới 10% của 8 địa phương chỉ là 87 tỷ đồng/4.745 tỷ đồng và đạt 1,8%.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến khả năng giải ngân của các địa phương trên; trong đó, vướng mắc cơ bản là về cơ chế chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm và thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn.
Ngoài ra, còn có vướng mắc liên quan đến công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản năm 2010 đang tạo ra nhiều thủ tục và tốn nhiều thời gian.
Việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… cũng gặp khó khăn. (Ảnh: Vietnam+)
|
Về tổ chức, điều hành, Bộ Tài chính chỉ ra công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giao đang chậm so với thời điểm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thêm vào đó, việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… cũng gặp khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao là 45.399 tỷ đồng (bao gồm 15.054 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương trong nước, 999 tỷ đồng vốn nước ngoài và 29.345 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương). Tuy nhiên, số vốn chưa phân bổ chi tiết đến thời điểm này còn 577 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công những tháng còn lại của năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương trên thực hiện nghiêm việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023 đồng thời thực hiện phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương tăng cường đôn đốc và khẩn trương đề xuất phương án xử lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
Các địa phương như Ninh Thuận, Gia Lai thực hiện tiến độ xử lý các vướng mắc rất chậm và hầu như chưa có biến chuyển trong tháng 9 vừa qua. (Ảnh: Vietnam+)
|
Đối với các vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (kéo dài thời gian giải ngân), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng trước mắt, các địa phương đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết (trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này) và đề xuất phương án điều hòa linh hoạt giữa các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh ngày 6/5/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể, theo đó ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định và tình hình thực tế để ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể (để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất).
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh bên cạnh việc tháo gỡ ngay các vướng mắc của trung ương, các cấp chính quyền tại các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, sát sao, tổ chức thực hiện, bám sát tiến độ từng dự án cụ thể theo tuần mới có thể đạt được mục tiêu Chính phủ giao./.
Hạnh Nguyễn
Vietnamplus
|