Việt Nam sắp đón làn sóng đầu tư mới từ Mỹ?
Việt Nam có thể sắp đón làn sóng đầu tư mới sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng trước.
Theo Nikkei Asia, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã mở ra một kỷ nguyên mới về mở rộng liên kết kinh tế giữa hai nước. “Làn sóng đầu tư nước ngoài thứ 4 sắp diễn ra”, tờ báo này nhận định.
Đất nước hình chữ S có thể đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ, nhất là từ Mỹ. So với các quốc gia châu Á khác, tỷ lệ hiện diện của doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ.
Trong chuyến thăm trụ sở của gã khổng lồ sản xuất chip Nvidia ở San Francisco vào ngày 19/09, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam và tận dụng nó làm trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á.
Nvidia đang đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất chip dành cho hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo. Về phần mình, ông Huang đánh giá Việt Nam đang có những thay đổi to lớn. Thủ tướng cũng đã gặp gỡ những nhân vật nổi bật khác trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, bao gồm nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, các giám đốc điều hành cấp cao của Meta, và SpaceX của Elon Musk.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden cũng đã mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn. Cụ thể, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận ban đầu mua 50 máy bay phản lực Boeing 737 Max trong một thỏa thuận trị giá khoảng 10 tỷ USD.
FPT Software cũng công bố hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ. Công ty thiết kế chip bán dẫn Synopsys cũng ký một biên bản ghi nhớ để hợp tác giúp ngành bán dẫn Việt Nam đào tạo lực lượng lao động thiết kế chip và năng lực chế tạo R&D.
Trong quá khứ, Việt Nam đã chứng kiến 3 đợt bùng nổ lớn về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lần đầu tiên xảy ra khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe máy tại Việt Nam vào năm 1997.
Làn sóng thứ 2 diễn ra trong từ đầu những năm 2000 cho đến năm 2008. Điểm nhấn của giai đoạn này là Samsung Electronics của Hàn Quốc đã đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2009.
Đợt bùng nổ thứ 3 diễn ra vào giữa những năm 2010. Khi sức mua ngày càng tăng, Việt Nam cũng trở thành thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Chẳng hạn, Aeon đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014.
Trong quá khứ, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam với quy mô khá khiêm tốn so với các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tính tới cuối năm 2022, tổng đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Việt Nam ở mức 11.4 tỷ USD. Con số này thua xa so với mức đầu tư vào Hàn Quốc (80.9 tỷ USD), Singapore (70.8 tỷ USD) và Nhật Bản (68.8 tỷ USD).
Nikkei Asia cho rằng, giờ đây, chuyến thăm của Tổng thống Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Việt Nam đang chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động như sản xuất hàng may mặc và lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng cao hơn. Việc hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là những công ty thống trị trong lĩnh vực bán dẫn và AI, sẽ rất quan trọng cho sự chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo 30,000-50,000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|