TV2: Giá cổ phiếu tăng gần 95% từ đáy là do đâu?
Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu, các cổ đông của CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, HOSE: TV2) hẳn đang rất hạnh phúc.
Tính từ đáy thấp nhất năm là phiên 27/02 với thị giá 20,700 đồng/cp, giá TV2 đã chạm 40,400 đồng/cp ở thời điểm phiên 30/08. Dù chưa phải mức giá cao kỷ lục, nhưng nó tương ứng với mức tăng khoảng 95%.
Diễn biến giá cổ phiếu TV2 từ đầu năm 2023 |
|
Đà tăng của TV2 dường như cũng tương xứng với diễn biến chung của thị trường, khi VN-Index cũng đã tăng hơn 17% kể từ đầu năm đến kết phiên 24/08. Điều đáng nói là TV2 tỏ ra rất vững vàng trước các biến động của thị trường. Như khi VN-Index rơi hơn 50 điểm tại phiên ngày 18/08, giá TV2 cũng sụt giảm nhưng ngay lập tức bật tăng trở lại tại phiên sau đó, thậm chí bật trần vào phiên 22/08.
Nhưng TV2 có gì để giá cổ phiếu tăng mạnh như vậy?
Kết quả kinh doanh đi lùi
Không giống như đà tăng giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh những quý gần đây của TV2 tương đối ảm đạm. Lợi nhuận của TV2 đã đi xuống từ quý 1/2022. Gần nhất vào quý 2/2023, TV2 chứng kiến doanh thu giảm mạnh tới 60%, còn gần 145 tỷ đồng; lãi sau thuế hơn 17 tỷ đồng, thua cùng kỳ 23%.
Bản thân kế hoạch kinh doanh 2023 của TV2 cũng được đưa ra một cách thận trọng, khi chỉ đặt chỉ tiêu gần như đi ngang so với thực hiện năm trước. Kết thúc nửa đầu năm, TV2 đạt 270 tỷ đồng doanh thu, giảm 57% so với cùng kỳ và mới thực hiện được 20% kế hoạch năm; lãi ròng 28 tỷ đồng, giảm 28%, thực hiện được 44% kế hoạch.
Kết quả kinh doanh của TV2 từ năm 2021 tới nay |
|
Đà tăng của kỳ vọng?
Khi kết quả kinh doanh không nổi trội, điều có thể khiến giao dịch cổ phiếu TV2 sôi động và tăng giá mạnh như vậy hẳn là kỳ vọng vào tương lai.
Trên thực tế, TV2 nằm trong số các doanh nghiệp được dự báo hưởng lợi lớn sau khi Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) được thông qua vào tháng 05/2023, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng từ truyền thống sang tái tạo là xu hướng tất yếu.
Tại quý 2, do cơ chế chính sách vẫn chưa đi vào thực tiễn. Cùng việc triển khai phải chờ Kế hoạch thực hiện QHĐ8 được phê duyệt nên các dự án, công việc mới hoặc thúc đẩy dự án đã ký kết đều đang chậm so với kế hoạch, qua đó kéo lợi nhuận của TV2 đi lùi. Dẫu vậy, kỳ vọng dành cho TV2 vẫn là rất lớn, xét về sự đa dạng các loại hình dịch vụ có thể cung cấp cho chủ đầu tư đối với các loại hình nguồn điện khác nhau, trải rộng từ nhiệt điện, điện khí, thủy điện, cho tới điện tái tạo.
Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), TV2 đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Trong đó, điện than hiện còn 4 dự án chưa xây dựng hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như Long Phú 1, Nam Định 1, Vĩnh Tân 3 và Sông Hậu 2. Đặc biệt là Sông Hậu 2, được kỳ vọng vào tính khả thi cao do khu vực phía Nam cần phải bổ sung các nguồn điện chạy nền trước sự không ổn định và phụ thuộc cao vào yếu tố thời tiết của các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế khu vực.
Dự án Sông Hậu 2 có công suất 2,012 MW, tổng vốn đầu tư 72 ngàn tỷ đồng, được giao phó cho Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư từ tháng 03/2013. Đến thời điểm hiện tại, giá trị hợp đồng EPC của TV2 trong tổ hợp tổng thầu trên là hơn 1 tỷ USD. Dự án gặp khó trong quá trình thu xếp vốn và một số vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tuy nhiên theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Chơn Hùng giải đáp tại ĐHĐCĐ 2023, việc thu xếp vốn với các đơn vị tài trợ là hoàn toàn khả thi. Kỳ vọng hiện tại đối với dự án là việc thu xếp vốn thành công để bắt đầu triển khai vào cuối năm 2023, dự kiến mang lại 25 ngàn tỷ đồng doanh thu vào giai đoạn 2024-2027.
Đối với nhiệt điện khí, TV2 được kỳ vọng sẽ tham gia vào các tổ hợp hoặc tổng thầu EPC cho nhóm dự án điện khí mới, đặc biệt là điện khí LNG – loại hình nằm trong nhóm được đẩy mạnh của QHĐ8 chỉ sau điện gió gần bờ.
Về thủy điện, dù mặt bằng chung không còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng VCBS đánh giá khối lượng công việc dành cho TV2 đến năm 2030 còn rất lớn với 340 MW tiềm năng thủy điện lớn, hơn 2,600 MW công suất mở rộng có thể tiếp tục được triển khai, cùng tiềm năng khai thác thủy điện nhỏ lên tới 10 GW. Nổi bật có dự án thủy điện Thác Bà 2 với công suất 18.9 MW, tổng đầu tư 709 tỷ đồng, đã khởi công vào tháng 10/2022 mà TV2 đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý dự án và giám sát xây dựng (PMC).
Hoạt động xây lắp của TV2 được đánh giá sẽ hưởng lợi từ QHĐ8 với định hướng phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030. Trong ngắn và trung hạn, điện gió gần bờ được đẩy mạnh, tốc độ tăng trưởng công suất kép lên đến 44.8%/năm, đạt mức 21,880 MW – tương đương 14.1% công suất nguồn phát vào năm 2030. Khối lượng công việc tăng thêm từ điện gió cũng sẽ góp phần bù đắp cho sự sụt giảm của điện mặt trời.
Điện sinh khối cũng được đẩy mạnh phát triển với tốc độ tăng trưởng kép công suất hàng năm lên đến 19% với khoảng 2,270 MW công suất dự kiến vận hành vào năm 2030. Các dự án lớn TV2 sẽ tham gia gồm dự án nhiệt điện sinh khối Hậu Giang với công suất 20 MW, tổng vốn đầu tư 875 tỷ đồng; và nhiệt điện sinh khối Trà Vinh có công suất 25 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Châu An
FILI
|