IR qua mạng xã hội: Cẩn trọng và xử lý linh hoạt để giảm tác động xấu tới giá cổ phiếu và danh tiếng doanh nghiệp
Trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ, mạng xã hội đã trở nên phổ biến với tất cả mọi người. Với sự hấp dẫn của mình, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là với giới trẻ.
Trong Khảo sát Nhà đầu tư Kỹ thuật số năm 2021 của Brunswick Group có 83% các nhà đầu tư dùng mạng xã hội để hiểu sâu hơn và cập nhật thông tin ngành, vấn đề và công ty mà họ đang theo dõi. Đây có thể là xu hướng sẽ rất lớn mạnh và thay thế các hoạt động công bố thông tin truyền thống, khi mà lớp nhà đầu tư trẻ (Gen Y, GenZ) có mức độ tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội sẽ dần là lực lượng chính phổ biến trên thị trường tài chính.
Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được xu hướng này và có sự nắm bắt cơ hội truyền tải thông tin trên mạng xã hội.
Từ năm 2020, CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) đã ra mắt fanpage Nhà đầu tư Digiworld. Đây là một trong những kênh truyền thông thường xuyên của Digiworld. Qua 3 năm hoạt động, kênh này đã được sự quan tâm và tương tác lớn từ các cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công ty cho biết sẽ nghiên cứu và triển khai hoạt động IR trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến khác.
Bộ phận IR của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) đánh giá nếu tận dụng được các công cụ truyền thông hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội để nâng cao giá trị thương hiệu và niềm tin của cổ đông.
Chính vì vậy, Coteccons vẫn đẩy mạnh hoạt động công bố thông tin trên website chính thức song song với đăng tải các thông tin xoay quanh ngành và công ty trên các kênh mạng xã hội để cổ đông có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi, tạo được môi trường trao đổi thông tin lành mạnh và đảm bảo được độ tin cậy nhất định.
Đặc biệt, khi đầu tư đang dần phổ biến trong gen Z, những mầm non đầu tư tương lai này cũng mong muốn tìm kiếm một nguồn thông tin đáp ứng được tiêu chí nhanh chóng, dễ tiếp cận và uy tín. Phát triển được các kênh thông tin, cộng đồng trao đổi với giao diện thân thiện, dễ sử dụng nhưng vẫn đảm bảo được độ an toàn, bảo mật và chính xác là mục tiêu hoạt động IR của Coteccons hướng đến.
Để thích nghi với xu hướng truyền thông trên mạng xã hội, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) nắm bắt tiềm năng của mạng xã hội như một công cụ truyền thông quan trọng để truyền đạt thông điệp và cung cấp thông tin cập nhật về công ty.
Ở khía cạnh khác, tuy mạng xã hội có tiềm năng là một kênh truyền thông mạnh mẽ và tiếp cận đến một số lượng lớn người dùng, nhưng doanh nghiệp cũng cần đánh giá cẩn thận khi sử dụng nó làm kênh truyền thông chính thống.
Mạng xã hội có sự phổ biến và sự lan truyền nhanh chóng của thông tin, nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra nhiễu loạn thông tin và khó kiểm soát.
Các thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam, bao gồm các trang chính thức và các tin tức trong các nhóm hội, có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty. Mạng xã hội đã trở thành một nguồn thông tin phổ biến quan trọng, và nhà đầu tư cũng sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu theo dõi các công ty và có thể đưa ra quyết định dựa trên các thông tin này.
Vì vậy, Vinamilk nhận thấy nhu cầu sử dụng các công cụ và dịch vụ quản lý dòng tin tức và giám sát mạng xã hội để theo dõi và phản ứng nhanh chóng đối với thông tin trên mạng xã hội. Điều quan trọng là doanh nghiệp duy trì sự cẩn trọng và xử lý linh hoạt đối với các thông tin và sự phản hồi trên mạng xã hội để giảm thiểu tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu và danh tiếng của công ty.
Về phía CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong những năm gần đây, Công ty khai thác và áp dụng nhiều hình thức tiếp xúc, tương tác, trao đổi với các nhà đầu tư và cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng, bao gồm kênh tiếp xúc trực tiếp và kênh trực tuyến qua website, email, mạng xã hội, báo chí, truyền thông và các công cụ giao tiếp trực tuyến.
Chí Kiên
FILI
|