Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình: CII sẽ làm khách sạn bệnh viện chứ không phải bệnh viện
Nghị quyết 98/2023/QH15 là cơ chế rất quan trọng đối với TPHCM khi mở ra cơ hội phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hạ tầng. Tổng Giám đốc CII Lê Quốc Bình cho biết Công ty có những chuẩn bị liên quan đến Nghị quyết này.
Tổng Giám đốc CII ông Lê Quốc Bình
|
Mặc dù ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 1 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) sáng nay (19/09) bất thành, song Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình có những chia về định hướng của Công ty xoay quanh Nghị quyết 98/2023/QH15.
Đề xuất 5 dự án hạ tầng trên địa bàn TPHCM
Tổng Giám đốc CII nhận định Nghị quyết 98 là một cơ chế rất quan trọng đối với TPHCM. Sáng 19/09, HĐND TPHCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 11, một trong những nội dung sẽ được thông qua tại cuộc họp là các dự án PPP mà Thành phố sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT từ cơ chế của Nghị quyết 98 là: quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An, quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TPHCM, trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm), cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư của 5 dự án này khoảng 37,000 tỷ đồng, đây là những dự án huyết mạch của TPHCM.
Theo lãnh đạo CII, Công ty có đề xuất khác với Sở Giao thông và vận tải về các dự án PPP. Thứ nhất, CII không đầu tư các dự án mang điểm kẹt xe từ chỗ này sang chỗ khác. Thứ hai, CII không thực hiện dự án chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà không giải quyết vấn đề lâu dài.
Theo đó, CII đề xuất 5 dự án. Đầu tiên là kéo dài đường từ vành đai 2 qua nút giao Hoàng Văn Thụ đến vành đai 3. Cụ thể, từ công viên Hoàng Văn Thụ đến đường Trường Chinh sẽ là đường trên cao, còn từ Trường Chinh đến vành đai 3 sẽ là đường hầm. CII kỳ vọng có thể xây dựng tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đường vành đai 3 mà không có bất kỳ đèn giao thông nào. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 19 ngàn tỷ đồng.
Thứ hai là dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành. CII đề xuất xây dựng quãng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất qua quận 1 không có đèn giao thông bằng cách kết hợp một số hầm chui và cầu vượt. Đòng thời, đường Phạm Văn Đồng sẽ nối tiếp ra đến vành đai 2, kết nối với ngã tư Bình Thái – Gò Dưa để ra Xa lộ Hà Nội, từ đó kết nối đường cao tốc để ra sân bay Long Thành.
Thứ ba là dự án đường Nguyễn Hữu Thọ theo quy hoạch của Sở GTVT TPHCM đề ra nhưng CII muốn làm theo hướng hầm chui thay vì làm đường trên cao, giúp kết nối các khu dân cư vào tuyến đường.
Thứ tư là kết nối nút giao An Lạc đến giáp ranh Long An, cũng nằm trong đề xuất của thành phố.
Thứ năm là dự án 12 km, nối đường dẫn cao tốc TPHCM – Trung Lương, một bên là nối vào nút giao Bình Thuận, một bên sẽ nối vào nút giao Tân Tạo, để tạo cửa ngõ thông suốt từ TPHCM đến Miền Tây, giúp giảm thời gian di chuyển từ TPHCM ra cao tốc 20 phút so với hiện tại.
Khi được hỏi về khả năng trúng thầu các dự án PPP sắp tới tại TPHCM, Tổng Giám đốc CII đánh giá nếu xét hình thức BOT, CII là số 1 trên thị trường hiện nay, tính cả doanh nghiệp tư nhân lẫn Nhà nước. Do đó, khả năng CII tham gia đấu thầu và trúng thầu là khá cao. Tuy nhiên có hai vấn đề rất lớn.
Thứ nhất, nhà đầu tư không có năng lực về tài chính rất nhiều, không đủ khả năng huy động vốn để thực hiện dự án. Riêng CII thì có thể huy động được từ ngân hàng. Nếu Thành phố thực hiện siết điều kiện đấu thầu theo gợi ý của CII là nhà đầu tư tham gia dự thầu phải có đảm bảo của ngân hàng thì khả năng CII trúng thầu là rất cao.
Tuy nhiên, vấn đề thứ hai là gần 95% nhà đầu tư PPP là các nhà thầu. Các nhà thầu thường quan tâm đến khối lượng thi công hơn là khả năng hoàn vốn của dự án nên thường sẽ dự thầu với giá khá thấp. Trong khi đó, CII chú trọng an toàn, khả năng hoàn vốn hơn.
Chia sẻ về lý do Công ty đang hướng đến các dự án BOT trên đoạn đường hiện hữu thay vì đoạn đường mới, ông Bình cho biết trước đây, Nhà nước đảm bảo lợi nhuận cho các hợp đồng BOT nhưng theo luật mới hiện nay thì doanh nghiệp “làm ăn lỗ chịu” nên có nhiều rủi ro. CII chọn làm BOT trên đường hiện hữu vì có thể đếm xe được, qua đó xác định thời gian hoàn vốn của dự án. Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng tuyến đường mới cũng rất rắc rối.
Dù vậy, làm BOT trên đường hiện hữu cũng đối mặt với rủi ro người dân sẽ phản ứng với việc thu phí. Do đó, CII thường chọn những dự án mở rộng 60 m, sau đó chừa lại phần đường hai bên không thu phí.
Mục tiêu doanh thu năm 2023 khó đạt được
Chia sẻ về mục tiêu doanh thu hơn 5 ngàn tỷ đồng đề ra cho năm 2023, ông Bình cho rằng khả năng đạt được con số này là khá thấp.
Nguyên nhân đầu tiên là lộ trình tăng giá cước thu phí tại các dự án BOT của Công ty tiếp tục bị hoãn lại. Theo hợp đồng BOT thì từ 2018, CII được tăng nhưng đến nay vẫn chưa thể tăng. Ông cho biết nếu tăng cước phí đường bộ bây giờ thì sẽ mâu thuẫn với chính sách giảm phí VAT của Chính phủ hiện nay.
Thứ hai, Chính phủ đã thành lập tổ gỡ vướng bất động sản nhưng hiện nay các dự án của CII vẫn chưa thông pháp lý. Ông Bình kỳ vọng sang tháng 10 CII có thể gỡ được 1 - 2 dự án. Ông cho biết dù CII chọn phân khúc bất động sản cho người ở thật chứ không phải cao cấp nhưng hiện nay vẫn không đủ pháp lý để bán được. Tổng Giám đốc CII cho rằng, nếu bán được thì chỉ trong 2 - 3 ngày CII sẽ bán hết giỏ hàng mở bán.
Liên quan đến thời gian thực hiện chia cổ phiếu thưởng và cổ tức tiền mặt 14%, ông Bình cho biết sẽ thực hiện sau khi CII phát hành trái phiếu chuyển đổi. Công ty hiện đã nộp hồ sơ xin phát hành và đang chờ chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Phản hồi về lo ngại cổ phiếu bị pha loãng do ảnh hưởng của đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi, ông Bình cho biết khi phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ không làm ảnh hưởng giá cổ phiếu trên sàn cũng như không pha loãng tại thời điểm này. Sau khi phát hành, mức pha loãng sẽ tùy thuộc vào mức chuyển đổi sang cổ phiếu hàng năm của trái chủ.
CII sẽ làm khách sạn bệnh viện chứ không phải bệnh viện
Việc lấn sân sang mảng y tế, Tổng Giám đốc CII cho biết Công ty sẽ không tham gia trực tiếp vào các dự án bất động sản.
Theo ông Bình, Nghị quyết 98 cho phép làm PPP trong giáo dục và y tế và CII chọn y tế. Bên cạnh đó, CII tham gia vào lĩnh vực khách sạn bệnh viện chứ không phải bệnh viện.
Theo dự tính hiện tại, CII sẽ dùng khối đế 4 tầng của dự án NBB2 để kết hợp với các bệnh viện lớn mở phòng khám. Bên cạnh đó, Công ty sẽ dành 1 block chung cư để làm nơi căn hộ cho thuê, tạo nơi ở cho những người ở xa đến thăm, khám bệnh. Mặt khác, sau khi làm xong dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, CII dự kiến sẽ kết hợp xây các phòng khám để đón đầu bệnh nhân muốn vào trung tâm TPHCM để khám bệnh. Tuy nhiên, ông Bình cho biết tỷ trọng đầu tư mảng khách sạn bệnh viện này sẽ không lớn.
Lãnh đạo CII cũng lưu ý rằng Công ty không đi trực tiếp vào bất động sản dưỡng lão. CII sẽ xây dựng khu dân cư đi kèm với các dịch vụ cho người lớn tuổi như massage, giúp việc nhà, khám nhưng không chữa bệnh.
Chia sẻ về lý do CII đang sở hữu 5% vốn CTCP Tasco (HNX: HUT), ông Bình cho hay CII và HUT có mối liên hệ với nhau bởi việc thu phí tự động, VEIC hiện là công ty con của HUT. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu HUT tăng, CII sẽ bán rồi chờ giá thấp mua lại.
Hà Lễ
FILI
|