ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 1 của CII bất thành dù có “quà tri ân”
Sáng 19/09, ĐHĐCĐ bất thường CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đã bất thành do không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự. Tại đại hội này, CII dự định trình việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh và chiến lược phát triển 2024 - 2030.
Theo đại diện ban kiểm tra tư cách cổ đông, tỷ lệ số cổ phần tham dự tính đến 9h chỉ ghi nhận 31.2% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Do đó, ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2023 của CII đã không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định.
ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 1 của CII tổ chức sáng ngày 19/09/2023 đã không thể tiến hành do không đảm bảo tỷ lệ cổ phần tham dự. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Theo kế hoạch, tại Đại hội lần này, HĐQT CII đề xuất bổ sung vào mã ngành 6810 đã đăng ký đoạn “không bao gồm: Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng” nhằm đảm bảo phù hợp với giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hiện nay của CII theo quy định tại Điều lệ. CII cho biết, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của Công ty.
Đối với định hướng đầu tư giai đoạn 2024 - 2030, CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực Công ty ưu tiên.
Định hướng trên được CII dựa trên hai cơ sở. Đầu tiên là Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Công ty đánh giá đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án PPP khi kết nối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ tạo thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư PPP.
Thứ hai là Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. Trước đây, Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ban hành ngày 21/10/2017 chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường mới. Do vậy, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn; và huy động vốn cho dự án.
Tuy nhiên, Nghị quyết 98 đã cho phép TPHCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu, từ đó phần nào giải quyết được các khó khăn kể trên.
Dựa trên các cơ sở đã nêu, CII đưa ra 6 dự án hạ tầng giao thông Công ty dự kiến đầu tư giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư gần 75 ngàn tỷ đồng, trong đó dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất với 22 ngàn tỷ đồng.
Các dự án hạ tầng giao thông CII nghiên cứu triển khai trong giai đoạn 2024-2030
Nguồn: CII
|
Theo CII, 6 dự án trên được Công ty lựa chọn dựa trên các tiêu chí: dự án có thể giải quyết ách tác giao thông một cách tổng thể; dự án có thể kết nối với các dự án hiện hữu của CII; dự án đã có quy hoạch phát triển; và dự án có thể hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.
Lấn sân sang lĩnh vực y tế
Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông truyền thống, CII còn lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực y tế theo hai hướng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.
Đối với hạ tầng y tế, CII đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TPHCM để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như: hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế tại các khu vực cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến đường cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực nội thành.
Còn với bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, CII hướng đến đối tượng là người trung niên, sắp về hưu, gia đình có người cao tuổi. CII sẽ cung cấp không gian xanh rộng lớn, khí hậu trong lành, đầy đủ tiện ích và dịch vụ y tế.
Hà Lễ
FILI
|