Duy trì mức tăng 2 con số

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng 2 con số đã được duy trì liên tục từ đầu năm đến nay. Đây là điểm sáng tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô khác như xuất nhập khẩu, đầu tư suy giảm. 

Phát biểu tại tọa đàm Thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô do Báo Công Thương tổ chức hôm 27/9, ông Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương cho biết, kết quả khả quan đó có được là nhờ tổng hòa những chính sách sâu xa từ trước, trong và sau đại dịch. Đó là những chính sách ta đưa ra để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là việc ta đã sớm dỡ bỏ giãn cách xã hội, giúp tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

Thứ hai là sự nhận diện chính xác của Chính phủ trong việc xác định các trụ cột để duy trì tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tiêu dùng trong nước thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ, thời gian qua, cấu trúc thị trường nội địa, tiêu dùng đã có sự thay đổi. Có những bộ phận trước đây chưa nổi lên như thương mại điện tử thì nay đang vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng nội địa. Do đó, ta phải quan tâm đến thị trường tiêu dùng ở một góc độ khác để có những chính sách kích thích phát triển trong thời gian tới.

Sự tăng trưởng của thị trường nội địa còn được kích thích bằng những chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ của doanh nghiệp trong thời gian qua. 

Các chuyên gia, khách mời tại tọa đàm (Ảnh: H.N)

Ông Phùng Thế Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, Thành viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - cho hay, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam từ đầu năm 2023 đã tích cực vào cuộc tham gia các chương trình kích cầu. Các chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam gần như xác định bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận để có được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kích cầu tiêu dùng.

Phải coi thị trường nội địa là trọng yếu của nền kinh tế

Mặc dù duy trì mức tăng khá cao trong một thời gian dài song tiêu dùng trong nước có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức mua ở thị trường nội địa chính là nhiều khu vực doanh nghiệp sản xuất bị thu hẹp khiến thu nhập của người dân sụt giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu. Chưa kể, các chính sách của Chính phủ dù rất nhiều nhưng độ trễ lớn, chưa mang lại hiệu quả kích cầu như mong đợi.

Để đẩy mạnh tăng trưởng thị trường nội địa trong những tháng cuối năm, ông Lê Huy Khôi nêu ý kiến, việc đầu tiên là Chính phủ cần sát sao với công tác đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho đầu ra của sản xuất. Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện nhanh và quyết liệt các chính sách. Cùng với đó, ngân hàng cần có chính sách hạ lãi suất để góp phần đảm bảo sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Ngoài ra, các chính sách cần khai thác tốt hơn khu vực thị trường nông thôn vốn có nhiều dư địa cũng như phát triển thương mại điện tử một cách mạnh mẽ hơn.

Về phía doanh nghiệp, ông Phùng Thế Vinh đề xuất: “Điều doanh nghiệp cần nhất là giữ được ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất cho vay ngắn hạn và cho vay đầu tư trung và dài hạn”.

PGS. TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, thị trường 100 triệu dân của ta không nhỏ, lại thuộc loại tăng trưởng cao trên thế giới. Điều này khiến quy mô thị trường nội địa rất đáng kể. Đây là thị trường chiến lược cho đất nước. Phải củng cố thị trường nội địa vì đây là khu vực thị trường trọng yếu cho tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Thiên cho rằng, chính sách phải hướng vào các giải pháp tài khoá để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, đồng thời, tháo gỡ khó khăn về thủ tục quy trình. Ví dụ, đầu tư công không phải thông mấy con đường mà phải “bơm máu” cho nền kinh tế, giúp người lao động có việc làm, giúp vực dậy sản xuất cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, doanh nghiệp cần “bắt tay” để kích cầu tiêu dùng cuối năm. Các giải pháp không phải chỉ là giảm giá thông thường mà phải có những giải pháp mạnh như có các phiếu mua hàng cho người dân để kích thích tiêu dùng, giúp thị trường nội địa sống động hơn, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới và giúp doanh nghiệp Việt Nam vực dậy sản xuất.

“Với chính sách giảm VAT từ 10% xuống 8%, tôi nghĩ là không đủ. Nên chăng giảm mạnh hơn, gỡ bỏ các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe để doanh nghiệp dễ dàng hấp thụ chính sách. Đồng thời, có cả các chính sách bảo vệ người dám làm, dám quyết định. Tình huống đặc biệt cần những chính sách đặc biệt”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.