Thị trường giảm mạnh nhưng nhóm ngành thủy sản, dệt may sớm hút tiền trở lại? Trong khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng liên tục tăng nhanh trong hai tháng gần đây đã tạo ra những sức ép cho thị trường chung, nhiều nhà đầu tư lại đang tìm kiếm cơ hội tại một số nhóm ngành, doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi trước xu hướng đi lên của tỷ giá.
Lợi nhuận của nhóm thủy sản đã chạm đáy trong quí 2 vừa qua và có thể khả quan hơn trong giai đoạn tới. Ảnh: T.L |
Vì đâu bán tháo?
Giảm gần 40 điểm trong ngày giao dịch đầu tuần này (25-9-2023), tương đương giảm hơn 3,3%, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm điểm lớn thứ hai trong vòng gần một năm qua, chỉ sau mức giảm 55 điểm của ngày 18-8-2023. Với 311 mã đóng cửa trong sắc đỏ tính riêng trên sàn HOSE, trong đó 110 mã giảm sàn, thị trường chứng kiến hành động bán tháo trên diện rộng.
Nếu như phiên giao dịch cuối tuần trước (22-9-2023), VN- Index cũng có lúc giảm đến 38 điểm, nhưng về cuối phiên đã bật lên lại và đóng cửa chỉ còn giảm 20 điểm, điều tương tự đã không diễn ra trong phiên giao dịch đầu tuần này, thậm chí còn theo chiều hướng ngược lại khi đà bán tháo chỉ thật sự diễn ra mạnh mẽ khi càng về cuối phiên, cho thấy nhiều nhà đầu tư quyết tâm thoát hàng bằng mọi giá.
Một số ý kiến cho rằng sự lao dốc của thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần trước một phần do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trước tin đồn lãnh đạo cấp cao của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) nộp đơn nghỉ việc. Nhưng ngay sau đó HOSE đã bác bỏ tin đồn này, vì vậy nó không còn là lý do tác động đến sự sụt giảm sâu của phiên đầu tuần này.
Tương tự nhóm thủy sản, nhóm doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cũng có thể hưởng lợi từ tỷ giá đi lên và việc mở rộng quan hệ thương mại với Mỹ. |
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng việc yêu cầu các công ty chứng khoán (CTCK) không được đặt lệnh tự động bằng robot để hạn chế rủi ro cũng có thể ảnh hưởng đến dòng tiền tham gia thị trường, khi các nhóm nhà đầu tư lớn thường sử dụng việc giao dịch bằng robot để kinh doanh chênh lệch giá, chẻ lệnh để che lệnh thật hoặc để quản trị rủi ro chủ động (cắt lỗ, chốt lời). Ngoài ra, hoạt động của một số CTCK cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi có nguồn thu lớn đến từ các mảng kinh doanh như kinh doanh chênh lệch giá, copytrade, các CTCK nhận lệnh gián tiếp từ bên thứ ba qua robot.
Nếu nhìn đợt sụt giảm lần này tương đồng với thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ có động thái phát hành tín phiếu hút tiền trở lại, cũng có lý do để nhà đầu tư lo ngại. Chỉ trong ba ngày 21, 22 và 25-9, nhà điều hành đã rút ròng khoảng 30.000 tỉ đồng khỏi hệ thống. Quyết định này được xem là nhằm giảm bớt sức ép tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, khi thanh khoản tiền đồng dồi dào trong thời gian qua cùng với chênh lệch lãi suất đô – đồng mở rộng quá lớn trên thị trường liên ngân hàng đã thúc đẩy nhiều ngân hàng tăng cường đầu cơ ngoại tệ.
Thật ra câu chuyện tỷ giá cũng là một trong những tác nhân gây áp lực lên thị trường chứng khoán trong thời gian qua, khi thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng. Tuy nhiên, việc NHNN đang tăng cường hút tiền để bình ổn tỷ giá lại kéo theo một nỗi lo ngại khác là lãi suất khó có thể tiếp tục đi xuống, hoặc thậm chí đối mặt áp lực tăng trở lại khi càng về cuối năm nhu cầu thanh khoản càng gia tăng. Nói cách khác, thời kỳ tiền rẻ, vốn có lợi cho các kênh đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán và đã phần nào hỗ trợ cho nhịp tăng trong quí 2 và nửa đầu quí 3 năm nay, đang có dấu hiệu tạm dừng lại.
Đặc biệt, trong giai đoạn thiếu vắng các thông tin kết quả kinh doanh của doanh nghiệp làm hậu thuẫn, giá nhiều cổ phiếu cũng đã tăng quá mạnh trong gần một năm qua, hoạt động chốt lời và thoát khỏi thị trường nếu có diễn ra cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi, các biến số vĩ mô và chính sách tiền tệ đang phát ra những tín hiệu không mấy tích cực. Và quá khứ cho thấy tháng 9 thị trường cũng phần lớn có diễn biến tiêu cực.
Nhóm ngành được lợi về tỷ giá và mở rộng thương mại
Trong khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng liên tục tăng nhanh trong hai tháng gần đây đã tạo ra những sức ép cho thị trường chung, nhiều nhà đầu tư lại đang tìm kiếm cơ hội tại một số nhóm ngành, doanh nghiệp được cho sẽ hưởng lợi trước xu hướng đi lên của tỷ giá, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu là một trong những nhóm được kỳ vọng lớn.
Không tránh khỏi lao dốc mạnh theo xu hướng thị trường chung trong phiên giao dịch đầu tuần này, nhưng nhóm cổ phiếu xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu hút dòng tiền từ những phiên trước đó, trong đó các cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia, ANV của CTCP Nam Việt, FMC của Thực phẩm Sao Ta hay CMX của Camimex trở thành tâm điểm.
Dù kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm nay ghi nhận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng giới phân tích cho rằng lợi nhuận của nhóm thủy sản đã chạm đáy trong quí 2 vừa qua và có thể khả quan hơn trong giai đoạn tới. Với lãi suất đã giảm đáng kể giúp tiết giảm chi phí lãi vay, cộng thêm hoạt động xuất khẩu có thể khả quan hơn trước xu hướng đi lên của tỷ giá, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể hưởng lợi về nhiều mặt.
Đặc biệt, trước một số lo ngại về việc Nhật Bản tiến hành xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, mà sau đó dẫn đến hành động đáp trả của Trung Quốc là cấm tất cả sản phẩm hải sản đến từ Nhật Bản, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có dấu hiệu hút tiền từ cuối tháng 8 và xu thế này có thể sẽ chưa dừng lại.
Bên cạnh đó, sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện mới đây cũng mang đến những kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu. Là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới, Mỹ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Tương tự nhóm thủy sản, nhóm doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cũng có thể hưởng lợi từ tỷ giá đi lên và việc mở rộng quan hệ thương mại với Mỹ. Thủy sản và dệt may là hai trong số tốp 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỉ đô vào Mỹ, trong đó dệt may thường đứng tốp đầu về giá trị trong những năm qua.
Điều đó mang đến kỳ vọng cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, TCM của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, STK của CTCP Sợi Thế Kỷ, MSH của CTCP May Sông Hồng sẽ biến động tích cực hơn trong thời gian tới.
Giống như nhóm thủy sản, nhóm dệt may cũng chứng kiến kết quả lợi nhuận lao dốc trong thời gian qua, trước tình trạng sụt giảm đơn hàng từ các đối tác quan trọng như Mỹ hay các nước châu Âu. Tuy nhiên, có vẻ điều này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong những tháng qua. Câu chuyện trên thị trường chứng khoán là câu chuyện của kỳ vọng trong tương lai. Giá cổ phiếu của nhóm ngành này có đi lên trở lại cũng là phản ánh sự kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng sau những gì xấu nhất đã xảy ra, sự phục hồi là điều tất yếu sau đó.
Báo cáo của CTCK SSI phát hành gần đây dự báo các doanh nghiệp dệt may có thể chứng kiến doanh thu quí 3 tương đương mức của quí 2, nhưng sau đó sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quí 4-2023 cùng với số lượng đơn hàng sẽ phục hồi dần, theo đó nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành này mạnh mẽ hơn từ năm 2024.
Triêu Dương TBKTSG
|