Thứ Năm, 21/09/2023 08:29

Ngăn biến tướng bảo hiểm nhân thọ: Phạt 100 triệu đồng sao đủ răn đe?

Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ xuất hiện nhiều biến tướng, sai phạm khiến người mua bảo hiểm chịu thiệt. Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, lên mức cao nhất 100 triệu đồng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế đánh giá, mức phạt này chưa đủ răn đe, cần có thêm biện pháp phạt bổ sung để doanh nghiệp (DN) quản lý chặt đại lý, tránh tình trạng vi phạm, nhờn luật.

Tràn lan sai phạm, xử phạt “nhỏ giọt”

Từ giữa năm 2022 tới nay, nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng “té ngửa”, gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi nhưng vô ích khi bị các chuyên viên tư vấn lừa ký hợp đồng sai quy định. Điều đáng nói là khi trả lời đơn khiếu nại, đa số DN bảo hiểm cho biết, hợp đồng bảo hiểm phát hành đúng quy trình và yêu cầu khách hàng trình bằng chứng như ghi âm, video nhân viên tư vấn sai.

Chị Lưu Thúy Hiệp (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh, khi tới gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng VIB, nhân viên tư vấn cho chị mua sản phẩm mới với mục đích tích lũy đầu tư và hướng dẫn chị ký khống vào một số chứng từ, giấy tờ.

Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Như Ý.

“Sau nhiều kỳ đóng phí, tôi mới phát hiện khoản tiền tiết kiệm đã bị hô biến thành hợp đồng bảo hiểm. Khi gọi điện yêu cầu rút tiền, công ty bảo hiểm cho biết, sẽ bị trừ khoản phí khiến số tiền nhận lại ít hơn nhiều so với nhân viên tư vấn. Tôi không có ý định mua bảo hiểm, không quan tâm quyền lợi được bảo hiểm. Chính nhân viên tư vấn tại ngân hàng đã lập lờ để tôi mua bảo hiểm nhân thọ của Prudential và tự ý chuyển tiền của tôi vào quỹ đầu tư mà tôi không hề biết”, chị Hiệp phản ánh.

Sau nhiều lần phản ánh, Prudential có văn bản trả lời chị Hiệp và cho rằng, hợp đồng được phát hành đúng quy trình và yêu cầu bổ sung bằng chứng như ghi âm, video cho thấy nhân viên ngân hàng đã tư vấn sai. Tuy nhiên, điều này gần như “bất khả kháng” bởi nếu biết là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, chị sẽ không tham gia.

Trước bất cập của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, năm 2022, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra 4 DN bán bảo hiểm qua ngân hàng gồm: Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife. Sau thanh tra, Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm của cả 4 DN trên như: Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn… Đáng nói là dù vướng nhiều vi phạm nhưng năm 2022, các DN bảo hiểm đều có lợi nhuận rất lớn do số lượng hợp đồng bảo hiểm ký được tăng lên mạnh. Tiêu biểu như, lợi nhuận năm 2022 của Prudential đạt 3.636 tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2021), BIDV Metlife đạt 85,2 tỷ đồng (gấp đôi năm 2021)…

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có khoảng 3.000 đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về bán bảo hiểm. Các lỗi vi phạm chính gồm: tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về DN bảo hiểm nhân thọ… Dù có nhiều vi phạm như trên nhưng số tiền xử phạt sai phạm “nhỏ giọt”. Luỹ kế từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.

Để xử lý các vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt nhiều vi phạm. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt, lên 90-100 triệu đồng khi DN vướng sai phạm như: có tài liệu giới thiệu sản phẩm với thông tin không trung thực, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định. Doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm quy định sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm sẽ bị phạt 60-70 triệu đồng.

Vì lợi nhuận, DN, đại lý phớt lờ mức phạt

Đánh giá về đề xuất tăng mức xử phạt với doanh nghiệp bảo hiểm của Bộ Tài chính, TS Trần Nguyên Đán, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, mức xử phạt dù nâng lên tối đa là 100 triệu đồng vẫn chưa đủ để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của công ty bảo hiểm. Với các hành vi như tư vấn không đầy đủ về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ, khiến khách hàng hiểu lầm bản chất của bảo hiểm cần xử phạt nặng hơn nữa.

“Doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của DN lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Mức phạt 100 triệu đồng quá thấp, có thể xảy ra tình trạng, DN bất chấp, sẵn sàng vi phạm, nộp phạt. Sau xử phạt, cơ quan chức năng cần thanh tra, giám sát quá trình thực hiện của DN bảo hiểm”, ông Trần Nguyên Đán cho biết.

Ông Đán cũng kiến nghị, cần có thêm quy định về vai trò giám sát của Bộ Tài chính đối với kênh đại lý bảo hiểm là ngân hàng, tổ chức tài chính. Lĩnh vực bảo hiểm thuộc quản lý của Bộ Tài chính nên mọi đối tượng tham gia thị trường bảo hiểm đều có thể bị thanh tra quá trình thực hiện, để bảo vệ khách hàng.

Cùng quan điểm, TS Phan Phương Nam, Đại học Luật TPHCM cho rằng, mức xử phạt vi phạm 100 triệu đồng chưa đủ răn đe. Cơ quan chức năng cần thêm hình thức xử phạt như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép DN vi phạm. Theo ông Nam, sau khi xử lý, cơ quan chức năng cần công khai DN, đại lý có vi phạm để răn đe, tránh lặp lại những lỗi tương tự.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, ngoài xử phạt hành chính, DN bảo hiểm vi phạm sẽ chịu hình phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng chứng chỉ đại lý bảo hiểm, đình chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm. Năm 2023, Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra 10 DN bảo hiểm. Đến nay, Bộ Tài chính đã khảo sát, thu thập thông tin và thanh tra 3 DN bảo hiểm nhân thọ và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra.

“Sai phạm của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chủ yếu xảy ra tại ngân hàng. Nhưng Luật Bảo hiểm quy định, Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực bảo hiểm qua DN bảo hiểm. Nếu không có sự đồng hành của ngành ngân hàng, sẽ rất khó kiểm soát việc người bán bảo hiểm “ép” khách mua bảo hiểm và biến tướng của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng”, một lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, DN bảo hiểm bán được hơn 1 triệu hợp đồng mới, với tổng doanh thu phí 15.508 tỷ đồng. Dẫn đầu doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới gồm: Prudential với 2.741 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.046 tỷ đồng, Manulife với 1.976 tỷ đồng, Sun Life với 1.183 tỷ đồng.

Ngọc Linh

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Quốc hội: Rút hay không rút BHXH một lần là quyền của người lao động (21/09/2023)

>   Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội: Dự kiến chi trả bảo hiểm trên 10 tỷ đồng (20/09/2023)

>   Kiến nghị bỏ bảo hiểm xe máy, Bộ Tài chính nói gì? (19/09/2023)

>   Cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (18/09/2023)

>   Đề xuất tăng mức phạt với vi phạm về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe (16/09/2023)

>   Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán, Cathay Việt Nam báo lãi ròng 6 tháng tăng 82% (15/09/2023)

>   Đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, kịp thời chi trả tiền bảo hiểm vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội (15/09/2023)

>   Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu thế nào? (15/09/2023)

>   Vụ cháy chung cư mini 56 người tử vong: Đề nghị bồi thường bảo hiểm nhanh chóng (14/09/2023)

>   Sun Life Việt Nam lỗ ròng gần 279 tỷ đồng nửa đầu năm 2023 (13/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật