Thứ Năm, 21/09/2023 08:20

Chủ tịch Quốc hội: Rút hay không rút BHXH một lần là quyền của người lao động

Nhấn mạnh quy định về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, có nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm. Rút hay không là quyền của người lao động, phải đảm bảo quyền của họ.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Ngày 20/9, cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tán thành giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu

Về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Thường trực Ủy ban Xã hội có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định.

Nhóm ý kiến này cho rằng, việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất; cho rằng, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng.

Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.

Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu

Cho rằng Chính phủ đã rất khẩn trương tiếp thu chỉnh lý dự án Luật, cơ bản nghiêm túc thực hiện những ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để Quốc hội họp, nhất là báo cáo đánh giá tác động, nêu rõ hơn về nguồn lực thực hiện các chính sách.

Đề cập đến nội dung cụ thể về trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ phải điều chỉnh lại Luật Người cao tuổi.

Sau này, Luật Người cao tuổi sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề khác về người cao tuổi, còn nội dung trợ cấp với người cao tuổi sẽ trở thành một cấu phần trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Do đó, phải nghiên cứu kỹ các điều khoản cần sửa đổi để tương thích giữa hai luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trợ cấp hưu trí xã hội là từ nguồn thuế chứ không phải theo nguyên tắc đóng – hưởng, không thể quay lại tư duy trợ cấp đóng – hưởng… Vấn đề này liên quan đến quá trình thực hiện nghị quyết của Trung ương, pháp luật phải có điều chỉnh. Về chính sách không có gì phải bàn.

Trước mắt, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, tương lai sẽ phải hạ dần xuống bằng với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức tiền hưởng sẽ tăng dần lên, phù hợp với khả năng của ngân sách.

Nhấn mạnh quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, có nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm. Rút hay không là quyền của người lao động, phải đảm bảo quyền của họ. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Xã hội, Chính phủ tiếp thu, giải trình.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: Đây là luật khó, còn thảo luận nhiều lần, do đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật, các văn bản liên quan. Ủy ban Xã hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình một số nội dung về chính sách bảo hiểm xã hội một lần, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, chế độ trợ cấp gia đình…/.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội: Dự kiến chi trả bảo hiểm trên 10 tỷ đồng (20/09/2023)

>   Kiến nghị bỏ bảo hiểm xe máy, Bộ Tài chính nói gì? (19/09/2023)

>   Cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (18/09/2023)

>   Đề xuất tăng mức phạt với vi phạm về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe (16/09/2023)

>   Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán, Cathay Việt Nam báo lãi ròng 6 tháng tăng 82% (15/09/2023)

>   Đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, kịp thời chi trả tiền bảo hiểm vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội (15/09/2023)

>   Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu thế nào? (15/09/2023)

>   Vụ cháy chung cư mini 56 người tử vong: Đề nghị bồi thường bảo hiểm nhanh chóng (14/09/2023)

>   Sun Life Việt Nam lỗ ròng gần 279 tỷ đồng nửa đầu năm 2023 (13/09/2023)

>   Generali Việt Nam còn lỗ lũy kế gần 3,457 tỷ đồng (12/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật