Thứ Hai, 25/09/2023 16:33

Lệnh cấm xuất khẩu dầu vô thời hạn của Nga có thể gây thiếu hụt toàn cầu

Nga đã áp đặt lệnh cấm vô thời hạn đối với việc xuất khẩu dầu diesel và xăng sang hầu hết các nước, một động thái có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu trước mùa đông và có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Trong sắc lệnh mới đây do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký, Điện Kremlin cho biết họ sẽ đưa ra các hạn chế “tạm thời” đối với xuất khẩu dầu diesel để ổn định giá nhiên liệu trên thị trường trong nước. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho tất cả quốc gia ngoại trừ 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, và không có ngày kết thúc. Các quốc gia được miễn lệnh cấm đều là thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu do Moscow đứng đầu.

Nga là một trong những nước cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn. Những người tham gia thị trường lo ngại về tác động tiềm tàng từ lệnh cấm này của Nga, đặc biệt vào thời điểm tồn kho dầu diesel toàn cầu đã ở mức thấp.

Các nhà phân tích năng lượng cho biết ngôn từ mơ hồ trong thông báo của Nga khiến thị trường khó đánh giá chính xác lệnh cấm sẽ được áp dụng trong bao lâu. Họ cũng cảnh báo rằng Moscow có thể một lần nữa tìm cách vũ khí hóa nguồn cung nhiên liệu này trước mùa đông sắp tới.

Reuters dẫn lời người phát ngôn của Điện Kremlin vào cuối tuần trước cho hay lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu sẽ kéo dài trong thời gian cần thiết để đảm bảo sự ổn định của thị trường.

Trước khi Nga đưa ra lệnh cấm, các nhà phân tích cho biết xuất khẩu dầu diesel của họ đã chịu áp lực lớn do đồng ruble suy yếu, nhà máy lọc dầu trong nước phải bảo trì trong khi chính phủ muốn tăng nguồn cung nội địa.

Viktor Katona, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kpler, cho biết: “Những hợp đồng đã hoàn tất đàm phán trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực vẫn được thực hiện, có nghĩa là sẽ mất 1 - 2 tuần để lệnh cấm này tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu diesel và xăng”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Chính phủ Nga có thể đột ngột chấm dứt lệnh cấm này, giống như khi nó được công bố”.

Lệnh cấm có thể có tác động gì?

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, các nhà máy lọc dầu của Nga đã xuất khẩu khoảng 2.8 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày. Theo ING, con số đó hiện giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, nhưng Moscow vẫn là một nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Warren Patterson - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga là một diễn biến lớn xảy ra ngay trước mùa đông ở Bắc bán cầu, giai đoạn thường chứng kiến nhu cầu tăng.

Ông Patterson nói: “Tác động của việc mất khoảng 1 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga sẽ được cảm nhận rõ ràng. Giá tăng bao nhiêu sẽ thực sự phụ thuộc vào thời hạn của lệnh cấm”.

Callum Macpherson - Giám đốc hàng hóa tại Investec, cho rằng: “Mục đích của lệnh cấm rõ ràng là nhằm giải quyết tình trạng nguồn cung hạn chế và giá cả cao ở thị trường nội địa Nga, nơi giá dầu cao kết hợp với đồng ruble suy yếu chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng Nga”.

“Có thể là ngẫu nhiên khi lệnh cấm này được công bố một ngày sau khi Nga gặp khó khăn tại Liên hợp quốc, hoặc có thể đây là chính sách nhằm biến năng lượng thành vũ khí để phản ứng lại điều đó”, ông nói thêm.

Kim Dung (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Quỹ bình ổn còn 7.400 tỉ, sao không chi để hạ giá xăng? (23/09/2023)

>   Chuyên gia: Giá dầu thế giới đang hướng tới những kỷ lục mới (23/09/2023)

>   Dầu có tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần (23/09/2023)

>   Nga tạm cấm xuất khẩu xăng và dầu (22/09/2023)

>   Dầu trồi sụt trong phiên đầy biến động (22/09/2023)

>   Giá xăng RON 95-III tăng 870 đồng lên mức 25,740 đồng/lít (21/09/2023)

>   Dầu giảm xuống đáy 1 tuần sau quyết định lãi suất của Fed (21/09/2023)

>   Giá dầu đã cán mốc 100 USD ở một số thị trường (20/09/2023)

>   Giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng mạnh (20/09/2023)

>   8 tháng đầu năm Việt Nam chi 5,88 tỉ USD nhập xăng dầu (20/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật