Thứ Hai, 04/09/2023 15:42

Hàng trăm cảnh sát triệt xóa doanh nghiệp bán "dự án ma" tại Đồng Nai do cá nhân 27 tuổi đứng tên

Công an tỉnh Đồng Nai triệt xóa thành công một tổ chức lừa đảo núp bóng công ty kinh doanh bất động sản với cả trăm đối tượng tham gia, Tổng Giám đốc là một cá nhân 27 tuổi.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được tin báo của các nạn nhân ở TPHCM và Đồng Nai tố cáo CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Lộc Phúc (Công ty Lộc Phúc), địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) bằng thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giá một lô đất chỉ khoảng vài trăm triệu, nhưng các đối tượng vẽ lên dự án, rồi rao bán với giá 2 đến 3 tỷ đồng.

Sáng ngày 31/08, Ban Chuyên án phát hiện các đối tượng trong Công ty Lộc Phúc đang tổ chức sự kiện mở “sàn giao dịch” để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một “dự án ma” thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán bất động sản tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt quả tang

Được lệnh của Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, hàng trăm cán bộ thuộc Công an tỉnh Đồng Nai đã ập vào khống chế bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn An (sinh năm 1996) - Tổng Giám đốc Công ty cùng 185 đối tượng liên quan (trong đó có 122 nhân viên, 20 đối tượng được thuê đóng giả khách hàng, 43 khách hàng là nạn nhân của Công ty) đưa về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.

Đồng thời, một tổ công tác khác cùng Công an TPHCM đến khám xét trụ sở Công ty, niêm phong, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2.4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật, 3.5 ngàn USD, 24.3 lượng vàng, 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi, 5 xe ô tô loại 52 chỗ để phục vụ công tác điều tra, mở rộng chuyên án.

Lực lượng phá án khống chế một trong 5 xe ô tô được Công ty chở nhân viên và khách hàng đến xã An Viễn, H. Trảng Bom giao dịch bán bất động sản

Các đối tượng khai, vào khoảng tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu tổ chức hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản một số dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, để đưa nạn nhân vào tròng, Công ty đã tuyển mộ cả trăm sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập làm nhân viên cấp dưới, sau đó, hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TPHCM chụp ảnh, đăng trên website của Công ty và trang web Chợ tốt để giới thiệu bán. Từ đây, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở TPHCM đã tìm và liên hệ với Công ty. Khi đó, bộ phận nhân viên cấp trên của những sinh viên này sẽ liên lạc lại với khách hàng bằng sim điện thoại rác do Công ty phát. Mỗi khách hàng, chúng chỉ sử dụng 1 sim, rồi bỏ.

Khi khách hàng yêu cầu được đi xem mua nhà ở TPHCM thì các đối tượng hẹn họ đến một quán cà phê đã định trước, rồi đưa họ lên xe ô tô 52 chỗ ngồi, kéo rèm che kín xe và tổ chức trò chơi có thưởng để nạn nhân yên tâm đang được chở đi xem nhà nhưng thực chất bị các đối tượng ép buộc phải đi xem đất tại các “dự án ma”. Lúc này, trên xe ô tô đã được thuê và bố trí sẵn những người thất nghiệp, lớn tuổi và những người chuyên đóng vai quần chúng của những bộ phim truyền hình, có khả năng diễn xuất tốt làm AC (gọi là chân gỗ). Đồng thời, dùng tiền của Công ty đưa cho số chân gỗ này để tiếp cận khách hàng trên xe giả làm người mua bất động sản để tạo sự gần gũi, đồng cảm, rồi lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia giao dịch.

Khi đến dự án do Công ty Lộc Phúc tự dựng ra và tự lên bản vẽ, nhân viên AC luôn áp sát tiếp cận để đồng hành với khách hàng. Đồng thời, bố trí hàng chục nhân viên vây quanh khách hàng giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép nạn nhân đặt cọc và tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác. Cùng với đó là AC “diễn vai” góp tiền với khách hàng đặt cọc các lô đất để được hưởng “chiết khấu giả”.

Sơ đồ quy hoạch do Công ty Lộc Phúc vẽ ra để lừa khách hàng

Khi khách hàng đồng ý đặt cọc (thông thường khoảng 100 triệu đồng), AC sẽ đặt cọc theo nhằm kích thích, động viên khách hàng mua đất bằng được. Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một xe ôtô loại 7 chỗ và đi cùng AC, trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tư vấn khách hàng về lại Công ty để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60% - 70% giá trị giao dịch trên lô đất đó.

Trường hợp khách hàng phát hiện ra lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị nhân viên từ chối. Khi đó, khách hàng muốn được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại mới được làm hợp đồng công chứng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được Công ty đưa đến xem và đặt cọc lúc đầu mà là ở vị trí khác, cách xa hàng chục cây số, giá trị cũng thấp hơn rất nhiều. Trường hợp khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.

Lời của người trong cuộc

Trong số các nạn nhân mắc bẫy bọn lừa đảo này có chị N.T.T.M, ngụ tại quận 8, TPHCM. Chị M đang có nhu cầu mua nhà khoảng 1 tỷ đồng, đã vào trang mạng Chợ tốt để tìm kiếm, sau đó liên hệ với Công ty thì gặp đối tượng tự giới thiệu tên Ly gửi hình ảnh căn nhà và hẹn chị hôm sau có mặt tại một địa điểm để đi coi nhà và được Công ty tặng quà.

Sau đó, Ly giao chị M cho một nhóm khác yêu cầu lên xe ô tô 52 chỗ đi quận 7 xem nhà. Khi thấy xe chạy lâu đến điểm xem nhà, chị hỏi liền được một nhân viên trả lời kẹt xe, đang trên đường tới. Lúc này, rèm xe che kín bít bùng không nhìn thấy đường nên khi xe chạy xuống huyện Trảng Bom mới biết mình bị lừa. Chị M bức xúc cho biết thêm: “Tôi thấy một bãi đất trống có dựng rạp giống như tổ chức sự kiện, trong người bồn chồn lo lắng, đã tìm đủ cách xin họ cho về để lo việc gia đình, nhưng họ không chịu. Họ nói muốn xem nhà phải đặt cọc giữ chỗ vì nhà đó có nhiều người coi lắm, chiều về Công ty sẽ cho coi giấy tờ nhà và bắt tôi đặt cọc 15 triệu, chỉ có ghi tên thôi với số tiền, không ghi phiếu thu”.

Tương tự như chị M, vợ chồng chị D.T.T.T, ngụ tại TP Thủ Đức TPHCM muốn mua một căn nhà giá rẻ ở TPHCM thì bị các đối tượng trong Công ty trên chở xuống huyện Trảng Bom để xem đất dự án cùng với chị M. Khi phát hiện bị lừa, chị T hỏi những người xung quanh (nhân viên và AC của Công ty) đều khẳng định không bị lừa, còn lên tiếng bản thân đã mua rồi. Sau đó, chúng yêu cầu chị chuyển 100 triệu đồng để nhận phiếu ưu đãi, rồi sẽ có người giới thiệu bán lại ngay cho người khác lấy 300 triệu. Chị M cho hay, mặc dù trong lòng không mong muốn, nhưng “Nhân viên đông quá, nó cứ hô hét. Hai chị kế bên cũng nói không sao, không sao đâu em cứ làm đi. Em bị áp đặt phải làm theo”.

Ai đứng sau Công ty Lộc Phúc?

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Lộc Phúc chỉ mới thành lập vào tháng 07/2022. Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được góp bởi ba cá nhân gồm Nguyễn Văn An tỷ lệ sở hữu 70%, Nguyễn Thanh Từng 15% và Dương Hữu Đức 15%. Trong đó, ông An (sinh năm 1996, thường trú tại Tây Ninh) là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc.

Ngoài công ty Lộc Phúc, ông An còn đứng tên và là Giám đốc CTCP Dịch vụ Đầu tư và Phát triển Bất động sản Vạn Phúc. Doanh nghiệp thành lập vào tháng 05/2021 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bất động sản Vạn Hưng, vốn 20 tỷ đồng do bà Cao Thị Vân (sinh năm 2000) làm Giám đốc ban đầu. Tháng 03/2022, công ty đổi tên thành Bất động sản Vạn Phúc, cơ cấu cổ đông thay đổi với danh sách góp vốn là ba cổ đông y hệt Công ty Lộc Phúc; trong đó ông An nắm 70%, ông Từng nắm 15% và ông Đức nắm 15%. Đồng thời trụ sở cũng chuyển về cùng với địa chỉ Công ty Lộc Phúc tại số 34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM.

Đáng chú ý, ngày 15/08 vừa qua, Công ty TNHH Bất động sản Green Link mới được thành lập vốn 20 tỷ đồng, có trụ sở trùng với địa chỉ Công ty Lộc Phúc, và do ông An đứng tên làm Tổng Giám đốc.

Bên cạnh đó, ông Từng (sinh năm 1995, thường trú tại Lâm Đồng) còn là cổ đông sáng lập và Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà NTT. Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 03/2022, trụ sở tại 454 Võ Chí Công, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TPHCM. Vốn điều lệ 500 triệu đồng.

Về việc Công ty Lộc Phúc lừa đảo, trước đó vào ngày 09/01/2023, Báo Thanh tra đã có bài viết “Môi giới lại tung chiêu “lùa gà”, Công ty Lộc Phúc bị nạn nhân “tố”, phản ánh việc nhân viên môi giới Công ty Lộc Phúc giới thiệu khách tham quan dự án tại TPHCM, nhưng sau đó chèo kéo chở khách đến vùng nông thôn bán đất với giá “cắt cổ”.

Sau khi bị phản ánh, đại diện Công ty Lộc Phúc phản hồi đã nhiều lần làm việc với khách hàng nhưng chưa có phương án thống nhất.

Ông Nguyễn Văn An - Giám đốc Công ty Lộc Phúc cho biết "Công ty luôn tìm những hướng đi an toàn và hiệu quả để phát triển bền vững. Đối với pháp lý của sản phẩm bất động sản là một trong những điểm được Công ty lưu ý quan tâm nhằm đem đến cho khách hàng những giá trị thực và bền vững".

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Thu nhập 30 triệu đồng/tháng, gia đình trẻ vẫn hẹp cửa mua nhà TP.HCM (04/09/2023)

>   Thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ quý 2/2024? (05/09/2023)

>   Vụ giao đất không đấu giá: Mường Thanh Quảng Nam đã nộp 18,6 tỉ đồng (03/09/2023)

>   Số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 8 tháng đầu năm tăng gần 11% (31/08/2023)

>   Bất động sản vào giai đoạn phát triển mới: Nhà ở xã hội 'chiếm sóng' (31/08/2023)

>   Hơn 14.000 căn nhà đủ điều kiện bán, TP.HCM vẫn ‘vắng bóng’ nhà giá rẻ (29/08/2023)

>   Đổ nợ vì mua nhà trên giấy (29/08/2023)

>   Luật đất đai (sửa đổi): Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung cao độ để tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật (29/08/2023)

>   Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thành lập các sàn giao dịch việc làm, bất động sản trước ngày 08/09 (27/08/2023)

>   Việt Nam cần làm gì để thu hút những "gã khổng lồ" công nghệ trên thế giới? (25/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật