FWD Việt Nam lỗ lũy kế gần 6,756 tỷ đồng
Khép lại nửa đầu năm 2023, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) có lãi ròng trở lại với hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 548 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cuối kỳ theo đó giảm còn 6,756 tỷ đồng.
Theo BCTC giữa niên độ 2023, FWD Việt Nam ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc gần 2,611 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 40% lên gần 107 tỷ đồng nên doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm lùi 1% xuống còn 2,530 tỷ đồng.
Kỳ này, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn gần 1,111 tỷ đồng, do chi phí bồi thường bảo hiểm đi ngang ở mức 689 tỷ đồng và chi phí khác giảm 27% còn 421 tỷ đồng.
Chi phí giảm mạnh hơn doanh thu giúp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của FWD thu về lợi nhuận gộp gần 1,419 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 75% lên hơn 342 tỷ đồng, nhờ lãi thu từ tiền gửi tăng 43% lên gần 223 tỷ đồng, lãi thu từ đầu tư trái phiếu tăng 34% lên hơn 78 tỷ đồng. Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, FWD thu mới gần 46 tỷ đồng lãi do đánh giá lại các khoản đầu tư và cổ tức gần 3 tỷ đồng (gấp 4.2 lần cùng kỳ).
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều có lợi nhuận tăng, cộng thêm chi phí bán hàng (chủ yếu là chi phí cho các kênh phân phối) giảm 33% còn hơn 1,151 tỷ đồng, giúp FWD thoát lỗ, ghi nhận lãi ròng hơn 170 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Theo đó, lỗ lũy kế của FWD Việt Nam giảm từ 6,926 tỷ đồng xuống còn 6,756 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/06/2023, tổng tài sản của FWD tăng 3% so với đầu năm, đạt gần 18,697 tỷ đồng, chủ yếu do tiền và các khoản tương đương tiền cao gấp 2.1 lần đầu năm, lên gần 1,355 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản của FWD là chi phí trả trước dài hạn (chủ yếu là chi phí khai thác bảo hiểm) và đầu tư tài chính, lần lượt giảm 11% và 4% so với đầu năm.
Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn, bao gồm hơn 4,231 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng đến dưới 1 năm (hưởng lãi suất từ 5.8-11.5%) tăng nhẹ 4% so với đầu năm, gần 263 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu niêm yết (tăng 16% so với đầu năm) và trái phiếu doanh nghiệp hơn 145 tỷ đồng (tăng 31% so với đầu năm).
Khoản mục đầu tư tài chính dài hạn chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp với 1,500 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm (kỳ hạn 5-15 năm với mức lãi suất từ 3.75-7.93%/năm).
Nợ phải trả tăng 5% so với đầu năm lên hơn 6,906 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản dự phòng nghiệp vụ dài hạn hơn 4,700 tỷ đồng, tăng 10%.
Khang Di
FILI
|