Dầu tăng 4 phiên liên tiếp
Giá dầu chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp khi tăng phiên thứ 4 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (01/09), do nguồn cung khan hiếm và kỳ vọng rằng nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu WTI tiến 81 xu (tương đương 1%) lên 84.45 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 82 xu (tương đương 0.9%) lên 87.65 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI vọt 5% trong tuần này, còn hợp đồng dầu Brent tăng 3%.
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng Ả-rập Xê-út sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 10, bổ sung vào mức cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vào ngày thứ Năm (31/08) rằng nước Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, cũng đồng thuận với các đối tác OPEC+ về việc cắt giảm xuất khẩu dầu.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ vào ngày thứ Tư (30/08) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 10.6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều so với dự báo. Dự trữ dầu thô thương mại đã giảm 34 triệu thùng kể từ giữa tháng 7/2023.
Nhà đầu tư thường xem những thay đổi dự trữ dầu thô tại Mỹ là một chỉ báo về sự thay đổi cân bằng sản xuất – tiêu thụ toàn cầu, đồng thời giá giao ngay và chênh lệch giá có thể tăng nếu dự trữ liên tục giảm.
ANZ cho biết: “Những dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ cũng được thể hiện rõ trên thị trường, với nhu cầu xăng cao hơn lần đầu tiên trong 3 tuần”.
Đồng USD suy yếu, chấm dứt chuỗi 6 tuần leo dốc liên tiếp, cũng hỗ trợ giá dầu. Đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên nhu cầu dầu vì làm hàng hoá này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.
Một cuộc thăm dò cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại và các động thái của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ thị trường nhà đất đang suy thoái của Trung Quốc cũng giúp thúc đẩy giá dầu vào ngày thứ Sáu, vì nhà đầu tư hy vọng nó sẽ kích thích nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|