Xử phạt trên 21 tỉ đồng các vi phạm về xăng dầu
Các hành vi vi phạm chủ yếu như không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…
Ngày 31-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), các Cục QLTT và Sở Công Thương các địa phương về việc cung ứng hàng hoá.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết trong 8 tháng đầu năm, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn gia tăng.
“Các mặt hàng vi phạm này không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng ở nơi hẻo lánh, ở nhà riêng rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh. Hàng hoá được chuyển đến người tiêu dùng qua dịch vụ chuyển phát nhanh” - Tổng cục trưởng cho biết và dẫn chứng các vụ việc điển hình mà lực lượng QLTT đã “truy quét”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DMS
|
Theo báo cáo, tính chung trong 8 tháng năm, QLTT đã kiểm tra 52.613 vụ, phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 344 tỉ đồng, chuyển Cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%).
Trong đó, với mặt hàng xăng dầu, lực lượng đã kiểm tra 2.060 vụ đối với các loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu, xử lý 570 vụ, tổng số tiền xử phạt trên 21 tỉ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan có thẩm quyền; nhân viên không được tập huấn, đào tạo và cấp Giấy chứng nhận theo quy định...
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã tiến hành các đợt cao điểm, mở nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nổi bật là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu cả nước, từ doanh nghiệp đầu mối đến cửa hàng bán lẻ, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: DMS
|
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của công tác QLTT không phải là số liệu, số vụ kiểm tra. Mục tiêu cuối cùng phải hướng đến là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và mở rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử, trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng đề nghị lực lượng QLTT cả nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng...
Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm đối với một số mặt hàng thiết yếu, trọng điểm như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, thuốc lá... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Bộ trưởng đề nghị từng cấp, từng đơn vị cần chủ động rà soát xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, bức xúc, nổi cộm trong đơn vị để xử lý kịp thời. Chăm lo tốt hơn công tác cán bộ, nhất là khâu giáo dục, rèn luyện, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ…
AN HIỀN
Pháp luật TPHCM
|