Dầu lên cao nhất trong 9 tháng
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng vào ngày thứ Sáu (08/09), do giá dầu diesel tương lai tại Mỹ tăng và lo ngại về nguồn cung dầu khan hiếm sau khi Ả-rập Xê-út và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 73 xu (tương đương 0.8%) lên 90.65 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 64 xu (tương đương 0.7%) lên 87.51 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu vẫn nằm trong vùng quá mua (overbought) về mặt kỹ thuật trong phiên thứ 6 liên tiếp, với dầu Brent hướng đến mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 16/11/2022. Hợp đồng dầu WTI khép phiên tại mức cao nhất kể từ ngày 06/09/2023, khi nó đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Tuần qua, cả 2 hợp đồng dầu đều tăng 2%, sau khi dầu Brent và dầu WTI lần lượt vọt 5% và 7% hồi tuần trước.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Giá dầu thô tiếp tục giao dịch dựa trên động lực từ phía nguồn cung. Không ai nghi ngờ rằng OPEC+ sẽ tiếp tục giữ thị trường thắt chặt vào mùa đông”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga còn được gọi chung là nhóm OPEC+.
Tuần này, thành viên OPEC Ả-rập Xê-út và Nga đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1.3 triệu thùng/ngày đến cuối năm.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã cộng thêm 1 giàn khoan dầu, ghi nhận tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2023, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy.
Giá dầu diesel tại Mỹ tăng cao cũng hỗ trợ giá dầu thô với hợp đồng dầu sưởi tương lai vọt 3%.
Nhà đầu tư năng lượng lưu ý việc bảo trì theo mùa tại các nhà máy lọc dầu ở Nga trong tháng 9 có thể sẽ làm giảm xuất khẩu dầu diesel nhưng dẫn đến tăng xuất khẩu dầu.
Trong một diễn biến khác, thị trường dầu vẫn lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc, quốc gia có tốc độ phục hồi chậm chạp sau đại dịch và các cam kết kích thích không được như kỳ vọng.
Dữ liệu vào ngày thứ Năm (07/09) cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm, do nhu cầu ở nước ngoài giảm và chi tiêu tiêu dùng yếu đã gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi xem liệu các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu có tiếp tục đối phó với lạm phát bằng việc nâng lãi suất hay không. Nâng lãi suất có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|