CPI quý 3/2023 tăng 2.89% so với cùng kỳ năm trước
Trong tháng 9, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1.08% so với tháng trước. CPI bình quân quý 3/2023 tăng 2.89% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3.16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4.49%.
CPI tháng 9 và quý 3/2023 của Việt Nam tiếp tục tăng
|
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố thì hầu hết các nhóm hàng hóa dịch vụ đều tăng giá tháng 9/2023, cụ thể như sau:
- Nhóm giao thông tăng 1.21% (tác động CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 05/9/2023, 11/9/2023 và 21/9/2023 làm cho giá xăng tăng 3.54%; giá dầu diezen tăng 5.96%; phí học bằng lái xe tăng 1.81%; giá dịch vụ trông giữ xe tăng 1.57%; giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0.63%. Ở chiều ngược lại, giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 3.56%; giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0.06%.
- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1.12% (tác động CPI chung tăng 0.21 điểm phần trăm) chủ yếu do từ ngày 01/9/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 33,000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 90 USD/tấn (từ mức 465 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn) làm cho giá gas tăng mạnh 8.37%; giá nhà ở thuê tăng 0.61%; giá nước sinh hoạt tăng 2.83%, giá điện sinh hoạt tăng 0.34% do nhu cầu tiêu thụ tăng; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0.33%; giá dầu hỏa tăng 8.09% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 05/9/2023, 11/9/2023 và 21/9/2023.
Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0.06% so với tháng trước do giá thép giảm khi nhu cầu tiêu thụ chậm, cùng với đó giá thép sản xuất trong nước chịu áp lực cạnh tranh với giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0.73% (tác động CPI chung tăng 0.24 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 3.19% (tác động CPI chung tăng 0.12 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn như Phi-lip-pin, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và châu Phi tăng trong khi Ấn Độ, Nga, UAE thực hiện cấm xuất khẩu gạo để bình ổn giá trong nước; thực phẩm tăng 0.38% (tác động tăng 0.08 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0.54% (tác động tăng 0.04 điểm phần trăm).
- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0.19% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Trong đó, giá vải các loại tăng 0.11%; quần áo may sẵn tăng 0.2%; mũ nón tăng 0.15%; giày dép tăng 0.23%; dịch vụ may mặc tăng 0.12%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 0.22%.
- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0.17% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 1.09%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0.25%; vật dụng và dịch vụ về hiếu hỉ tăng 0.2%.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0.12% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá bàn là điện tăng 0.4%; trang thiết bị nhà bếp và đồ dùng bằng kim loại cùng tăng 0.39%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0.25%; hàng dệt trong nhà tăng 0.19%... Ở chiều ngược lại, giá nhóm thiết bị dùng trong gia đình gồm máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, thiết bị khác giảm 0.15% so với tháng trước do các siêu thị điện máy đồng loạt giảm giá các sản phẩm điện lạnh nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Lễ.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0.11% do nguyên liệu sản xuất đồ uống, thuốc lá và nhân công tăng. Cụ thể, thuốc hút tăng 0.19%; rượu các loại tăng 0.32%; nước khoáng tăng 0.11%.
- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.07%, trong đó nhóm thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt tăng 0,17%; nhóm thuốc tác dụng trên dường hô hấp tăng 0.16%; nhóm vitamin và khoáng chất tăng 0.15%; dụng cụ y tế tăng 0.35%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0.09%; nguyên nhân do thời tiết giao mùa, dịch sốt xuất huyết và đau mắt đỏ bùng phát, công tác phòng chữa bệnh được tăng cường, nhu cầu sử dụng thuốc và dụng cụ y tế tăng, đồng thời ở một số phòng khám tư nhân tăng giá do chi phí thuê mặt bằng, nhân công tăng.
- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0.06% tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 0.42%; dịch vụ du lịch trong nước tăng 0.25%. Ở chiều ngược lại, giá dịch vụ du lịch nước ngoài giảm 0.37% so với tháng trước; khách sạn giảm 0.05%; dịch vụ văn hóa; thiết bị thể dục thể thao lần lượt giảm 0.05% và giảm 0.03%.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0.23% do giá điện thoại cố định và di động giảm.
CPI bình quân quý 3/2023 tăng 2.89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6.99%; giáo dục tăng 5.95%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5.9%; đồ uống và thuốc lá tăng 3.05%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2.59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2.03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1.86%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1.47%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.58%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 1.12%; giao thông giảm 2.28%.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2023 tăng 0.26% so với tháng trước, tăng 3.8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4.49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3.16%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15.26% so với cùng kỳ năm trước, giá dầu hỏa giảm 1.26%, giá gas giảm 10.21% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nhật Quang
FILI
|