Cơm tấm, bánh mì...Sài Gòn trở thành món ẩm thực tiêu biểu Cơm tấm Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, món cuốn Sài Gòn và mì xào giòn là một trong những món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Ngày 29-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã tổ chức trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I- 2022 và công bố giai đoạn II - 2023 đề án Xây dựng và phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024. Đây là hoạt động nhằm tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản. Cơm tấm là một trong những món ăn được ưa chuộng nhất ở miền Nam. Ảnh: HTD. | Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam và Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam. Trong giai đoạn I năm 2022, Đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành, qua đó, đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Trong đó, có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Trong số 121 món ẩm thực tiêu biểu, TP.HCM có các món nằm trong danh sách gồm: Cơm tấm Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, món cuốn Sài Gòn và mì xào giòn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, việc xây dựng Bản đồ ẩm thực Việt Nam sẽ góp phần tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ đó trở thành động lực để các phát triển kinh tế, xã hội. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VT | Thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng sẽ tăng cường quảng bá rộng rãi về văn hoá ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua những sự kiện quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước, nhất là ở những quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. “Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hoá, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống” - Ông Phúc nhấn mạnh. VIẾT THỊNH Pháp luật TPHCM
|