Bidiphar ước lãi quý 3 tăng 11%, sản xuất thuốc viên điều trị ung thư vào năm 2026
Trong buổi “Hội thảo nhà đầu tư” diễn ra vào sáng ngày 22/09/2023, đại diện CTCP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) đã tiết lộ về dự báo kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng năm nay, cũng như một số kế hoạch dự định triển khai sắp tới.
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của DBD cho biết cho biết doanh thu quý 3 ước tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, đạt khoảng 427 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 79 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Lũy kế 9 tháng, DBD dự báo doanh thu tăng 15%, ước đạt hơn 1.2 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận tăng khoảng 22%, đạt hơn 252 tỷ đồng.
Trong có cấu doanh thu hiện tại, tại tỷ trọng cao nhất thuộc nhóm chống khuẩn (27%). Thuốc ung thư chiếm 22%; dung dịch lọc màng bụng, lọc máu (11%); 8% là các thuốc giảm sốt, giảm đau, vitamin. Thuốc còn lại chiếm 32%. Tóm lại, 3 dòng sản phẩm mạnh nhất của Bidiphar là thuốc ung thư, dịch thận, và nhóm kháng sinh.
Tập trung vào thuốc viên điều trị ung thư, dự kiến đi vào sản xuất năm 2026 với dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP-EU
Chia sẻ về định hướng phát triển, bà Hương cho biết Bidiphar sẽ ưu tiên mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, tập trung vào một số nhóm sản phẩm cốt lõi.
Đầu tiên là tập trung vào thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc viên. Hiện tại, dây chuyền sản xuất thuốc viên của Bidiphar đã hoàn thành việc đầu tư, đạt được chứng nhận tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế. Tuy nhiên, còn công đoạn thẩm định, theo dõi độ ổn định sản phẩm, nộp hồ sơ đăng ký để được phép sản xuất đưa ra thị trường.
Bà Hương cho biết, dòng thuốc viên ung thư đến 2024 mới nộp được hồ sơ đăng ký. Sớm nhất 2025 sẽ có số đăng ký, và đi vào sản xuất là 2026, phần lớn là thuốc phát triển tại đích.
Trên thị trường có 1 số nhà máy sản xuất thuốc viên ung thư, nhưng sản phẩm để thành thương hiệu thì chưa. Với việc đầu tư bài bản cùng dòng sản phẩm đã tạo thành thương hiệu, Bidiphar tin tưởng rằng sẽ phát triển được thị phần.
Định hướng phát triển tiếp theo của DBD là tập trung nghiên cứu thuốc tác dụng tại đích trong điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc viên.
Thứ ba là định hướng từng bước nhận chuyển giao công nghệ, triển khai sản xuất thuốc công nghệ sinh học điều trị ung thư.
Với dòng sản phẩm dung dịch thẩm phân, Bidiphar đang nghiên cứu để tạo ra sự khác biệt với dòng sản phẩm này. Ngoài ra là nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm bổ sung cho bệnh nhân suy thận.
Với kháng sinh và thuốc đặc trị, Bidiphar sẽ nghiên cứu kháng sinh thế hệ mới. Ngoài ra, Doanh nghiệp sẽ triển khai tập trung thêm thuốc nhỏ mắt, và thuốc đặc trị tim mạch, tiểu đường.
Định hướng kế tiếp là phát triển các sản phẩm dược liệu hữu cơ. Hiện tại Bidiphar sở hữu vùng trồng dược liệu 75ha tại vùng núi An Toàn, An Lãng, đang sở hữu 8 dược liệu được Bộ Y tế chứng nhận chuẩn GACB. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đưa các nguồn dược liệu này theo chuẩn hữu cơ, và phát triển các sản phẩm từ nguồn này.
Về các dự án đầu tư, bà Hương cho biết hiện đã đầu tư xong nhà máy thuốc ung thư tại khu kinh tế Nhơn Hội, được Bộ Y tế cấp chứng nhận GMP WHO. Bidiphar đang trong quá trình tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận GMP EU, dự kiến thực hiện vào tháng 11/2024. Thuốc viên cũng tương tự nhưng lâu hơn, dự kiến vào cuối tháng 3/2025, do phải thẩm định quy trình sản xuất, độ ổn định của thuốc… kéo dài ít nhất 6 tháng.
Đối với dự án nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ, được thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, đã có được chứng nhận đầu tư của tỉnh Bình Định. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2027, đóng góp doanh thu tương đối đáng kể, dự tính đóng góp trên 580 tỷ đồng doanh thu.
Tiến độ dự án dự kiến tháng 6-10/2023 sẽ hoàn thành quá trình thiết kế cơ sở và bản vẽ thi công. DBD lên kế hoạch khởi công dự án vào tháng 11/2023, tới tháng 3/2025 hoàn thành lắp đặt, thẩm định nhà máy. Dự kiến từ tháng 6/2025 hoàn thành đánh giá GMP của Bộ Y tế, đến tháng 10/2025 nộp hồ sơ và tháng 10/2026 sẽ có số đăng ký. Tháng 1/2027 sẽ đi vào hoạt động và có doanh thu. Bidiphar cũng sẽ nộp hồ sơ thẩm định GMP-EU cho nhà máy này, dự kiến quý 3/2028 sẽ có chứng nhận này.
Dự án thuốc nonbetalactam đã khởi công, đã thống nhất sẽ trình ĐHĐCĐ về việc tập trung cho nhà máy thuốc vô trùng. Dự kiến nhà máy thuốc sẽ có tổng đầu tư 820 tỷ đồng, khởi công vào cuối năm 2024, đi vào hoạt động năm 2028, cũng theo tiêu chuẩn GMP EU.
Tổng vốn đầu tư dự kiến cho các nhà máy nêu trên là 1,500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại và nguồn vay khác (ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu).
Dự án đầu tư văn phòng cho thuê tại Quy Nhơn hiện vẫn chưa khai thác được. Trong năm nay sẽ đi vào đầu tư, khởi công trong quý 1/2024, và đi vào hoạt động năm 2025.
Về phương án chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư: đã được thông qua từ ngày 21/04/2023 về việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, giá tối thiểu không thấp hơn 50,000 đồng/cp. Hiện tại đang làm việc với các đối tác chiến lược theo quy trình nội bộ, với kỳ vọng mức tham chiếu theo hệ số như P/E, P/B, EBITDA với các giao dịch lịch sử của các công ty dược niêm yết trong top 10 Việt Nam để đảm bảo hài hòa lợi ích của cổ đông chiến lược và các nhà đầu tư.
Châu An
FILI
|