Thứ Sáu, 04/08/2023 09:00

Tổng Giám đốc Victor Ngo: Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của UOB trong ASEAN 4

Năm 2023 ghi dấu 30 năm Ngân hàng UOB có mặt tại Việt Nam. Cùng với việc mua lại thành công mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường châu Á, UOB tham vọng trở thành một ngân hàng khu vực thực sự, giúp khách hàng đạt được mục tiêu tài chính.

Nhân kỷ niệm 30 năm hoạt động của ngân hàng UOB tại Việt Nam, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc UOB Việt Nam để chia sẻ về những thành tựu trong thời gian qua cũng như định hướng trong tương lai gần của Ngân hàng để thúc đẩy phát triển tại thị trường Việt Nam.

Sau 30 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, UOB Việt Nam đã đạt được những thành tựu nào nổi bật, thưa ông?

Tổng Giám đốc Victor Ngo: UOB gắn bó với thị trường Việt Nam từ năm 1993, khởi đầu từ một văn phòng đại diện chỉ có 3 nhân sự. Năm 1995, UOB trở thành ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập văn phòng chi nhánh tại TP.HCM.

Kể từ đó, chúng tôi luôn kiên định với cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua việc kết nối khách hàng với các cơ hội đầu tư trong nước.

Nhìn lại hành trình 30 năm qua, Ngân hàng UOB Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Chúng tôi đã chuyển đổi thành công từ một chi nhánh thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ngay cả trong đại dịch.

Ngân hàng đã hỗ trợ hơn 250 công ty đầu tư vào Việt Nam, dự kiến sẽ đầu tư hơn 5.8 tỷ đô la Singapore và tạo ra hơn 30,000 cơ hội việc làm tại Việt Nam, kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ với Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam vào tháng 4/2015. UOB đã và đang tiếp tục thực hiện cam kết phát triển bền vững để làm điều đúng đắn cho cộng đồng, bao gồm chương trình chạy bộ toàn cầu hàng năm UOB Global Heartbeat Run/Walk và cuộc thi vẽ tranh UOB Painting of the Year lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay.

Việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup có ý nghĩa thế nào với UOB?

Năm 2023 tiếp tục chứng kiến một cột mốc quan trọng khác đối với UOB Việt Nam khi chào đón 575 nhân viên thuộc Citigroup - một phần trong thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Với mạng lưới kinh doanh, hệ sinh thái đối tác cũng như danh mục sản phẩm và các năng lực được mở rộng, UOB Việt Nam có vị thế tốt để phục vụ nhu cầu của tệp khách hàng lớn hơn. Cùng với việc kết nạp thêm các nhân sự mới, giờ đây chúng tôi đã có một đội ngũ lớn mạnh hơn để thúc đẩy tham vọng của UOB là trở thành một ngân hàng khu vực thực sự, giúp khách hàng đạt được các mục tiêu tài chính của họ.

Ông đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài những năm gần đây? Tiềm năng trong tương lai ra sao?

Năm 2022, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, nhờ vào sự đóng góp đáng kể của cả nền kinh tế trong nước lẫn FDI. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 8.02% (2021: 2.58%), cao nhất kể từ năm 1997, dù lạm phát chỉ ở mức 3.15%. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27.72 tỷ USD, vốn FDI đạt kỷ lục 22.4 tỷ USD, tăng 13.5% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).

Trong những năm qua, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nền tảng chính trị ổn định, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, lực lượng lao động dồi dào, giá cả phải chăng và thị trường nội địa gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh tạo ra thị trường có sức mua lớn cũng là những điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng là một trong những điểm đến kinh doanh và đầu tư năng động nhất châu Á, với hình ảnh là một quốc gia có định hướng rõ ràng và nỗ lực thực hiện các cam kết mạnh mẽ từ Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tại Glasgow (COP26) về thu hút đầu tư chất lượng cao, hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon và tăng trưởng xanh.

Hiện nay, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu do căng thẳng địa chính trị kéo dài, việc thu hút đầu tư FDI sẽ là những thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà với mọi quốc gia.

Ngoài ra, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ áp dụng cho 141 quốc gia từ năm 2024 cũng sẽ đặt ra những khó khăn không nhỏ cho các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, với các lợi thế sẵn có, Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển mạnh để thu hút thêm dòng vốn FDI bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, chất lượng lực lượng lao động và các yêu cầu pháp lý để đối phó hiệu quả với GMT.

Việt Nam có phải là thị trường chiến lược của UOB không thưa ông?

Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của UOB trong ASEAN 4 (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam).

Điều này được thể hiện rõ ràng thông qua sự gắn bó lâu dài của UOB tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu đất nước mở cửa kinh tế và không ngừng phát triển mở rộng qua 3 thập niên. Từ 1 văn phòng đại diện vào năm 1993 trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2018 với tăng trưởng tài sản 32% (2018 - 2022).

Mới đây, với việc mua lại mảng bán lẻ của Citibank tại 4 thị trường, trong đó có Việt Nam, càng thể hiện tầm nhìn dài hạn của UOB tại Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2021, ngân hàng UOB Việt Nam cũng đã tăng vốn điều lệ từ 3 ngàn tỷ đồng lên 5 ngàn tỷ đồng. Việc gia tăng vốn điều lệ chứng minh cam kết lâu dài của UOB tại thị trường Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Đối tượng cũng như phân khúc khách hàng mà UOB nhắm đến là gì? Chiến lược cụ thể để khai thác các phân khúc này?

Tại Việt Nam, chúng tôi phục vụ cả phân khúc khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Với khách hàng doanh nghiệp, nhờ có mạng lưới rộng khắp trong khu vực ASEAN, vượt trội hơn so với các ngân hàng khu vực khác, UOB đã hỗ trợ xuyên suốt và đồng hành cùng các khách hàng của mình, giúp khách hàng phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh ra các nước trong khu vực và đặc biệt là thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Chúng tôi đã thành lập các trung tâm chuyên trách về tư vấn đầu tư FDI để hỗ trợ đầu tư và hoạt động thương mại trên toàn khu vực. Hiện tại, UOB có 10 trung tâm chuyên trách về đầu tư FDI trên khắp châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Trung tâm FDI thứ 10 vừa đi vào hoạt động tại Nhật Bản vào tháng trước. Chúng tôi có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam.

UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập bộ phận tư vấn FDI tại Việt Nam vào năm 2013 để hỗ trợ thương mại và dòng vốn FDI đang gia tăng vào Việt Nam. Năm 2015, UOB và Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam (FIA) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên (được gia hạn vào tháng 11/2020) với mục đích tăng cường FDI và thương mại giữa Việt Nam và Đông Nam Á.

Thông qua việc hợp tác chặt chẽ với FIA, UOB Việt Nam đặt mục tiêu trở thành điểm đến cho các công ty nước ngoài muốn mở rộng hoạt động vào Việt Nam bằng cách cung cấp thông tin chi tiết về thị trường, thông qua hội thảo trực tuyến cùng các đối tác trong hệ sinh thái của UOB, bao gồm các cơ quan chính phủ, công ty tư vấn và công ty đa quốc gia chia sẻ chuyên môn cũng như các giải pháp tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ gia nhập thị trường và cung cấp các giải pháp ngân hàng toàn diện.

UOB Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư tiềm năng trị giá 1.5 tỷ đô la Singapore từ các công ty trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và hàng tiêu dùng vào Việt Nam trong 3 năm tới.

Với mảng bán lẻ, Ngân hàng sẽ hướng đến toàn bộ các phân khúc khách hàng bán lẻ, từ nhóm khách hàng thu nhập khá, bao gồm các gia đình và người đi làm trẻ tuổi đến nhóm khách hàng có giá trị ròng cao. Để thu hút và phục vụ cơ sở khách hàng lớn hơn sau khi sáp nhập mảng bán lẻ của Citibank, UOB Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng năng lực kỹ thuật số, đồng thời đầu tư vào chiến lược đa kênh để đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu và thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Ông có thể chia sẻ thêm về lợi thế mảng bán lẻ của UOB so với các đối thủ, sau khi hoàn tất mua lại mảng bán lẻ của Citibank?

Việc UOB mua lại mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường chính của ASEAN đã thúc đẩy đáng kể hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng, mang lại nhiều đặc quyền cho tệp khách hàng được mở rộng trong khu vực, phù hợp với phong cách sống và nhu cầu độc đáo của họ thông qua quan hệ đối tác với các thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới.

Số lượng khách hàng bán lẻ trong khu vực của UOB đạt hơn 7 triệu, tính đến 31/03/2023. Việc sáp nhập gần đây nhất tại Việt Nam giúp Ngân hàng phục vụ tệp khách hàng hơn 200,000 người.

Thông qua việc sáp nhập, chúng tôi sẽ có khả năng cung cấp đầy đủ bộ sản phẩm cho vay tín chấp, bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay tín chấp cá nhân; đồng thời bổ sung vào các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô. Nhờ vậy, chúng tôi có thể đa dạng nguồn thu thông qua việc bán nhiều sản phẩm hơn.

Việc sáp nhập cũng giúp UOB tăng gấp đôi dư nợ cho vay và tiền gửi, tăng gấp ba cơ sở khách hàng bán lẻ và nhân đôi số lượng nhân sự hiện tại từ 600 lên hơn 1,200 nhân viên.

Với danh mục sản phẩm hợp nhất sau khi sáp nhập, UOB sẽ thúc đẩy việc xây dựng mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ và củng cố vị trí top 4 ngân hàng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc sáp nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng có thể tiếp cận với những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, cũng như hưởng lợi từ mạng lưới hoạt động và hệ thống đối tác được mở rộng.

Chi tiết hơn về kế hoạch mở rộng mạng lưới Ngân hàng trong thời gian tới thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Ngân hàng đang có 5 chi nhánh tại TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi theo đuổi chiến lược đa kênh để phục vụ khách hàng. Đặc biệt, UOB sẽ chú trọng phát triển các kênh kỹ thuật số để thu hút và phục vụ khách hàng trên các kênh này thay vì đầu tư mở rộng các chi nhánh. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số và mức độ sử dụng các kênh kỹ thuật số sâu rộng của đại bộ phận dân số Việt Nam như hiện nay, sẽ rất thuận lợi cho việc khai thác và phục vụ khách hàng trên kênh số. Điều đó cũng giúp tối ưu về chi phí và hiệu quả.

UOB đang đầu tư 500 triệu đô la Singapore đến năm 2026 vào các sáng kiến đổi mới kỹ thuật số trên khắp ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, nhằm thúc đẩy đổi mới và tăng tốc độ tiếp cận thị trường, qua đó nâng cao trải nghiệm ngân hàng kỹ thuật số cho khách hàng của mình.

Cho năm 2023, Ngân hàng đặt ra mục tiêu kinh doanh thế nào?

UOB sẽ tăng cường đầu tư để phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Việc mua lại mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam mang đến cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để củng cố vị thế của mình trên thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh bán lẻ sang chương tăng trưởng tiếp theo với danh mục sản phẩm, mạng lưới và hệ sinh thái đối tác được mở rộng.

Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 30% trong giai đoạn 2023 - 2026, tối ưu hóa tỷ lệ CIR lên khoảng 63% vào năm 2026. Cụ thể, ở mảng ngân hàng bán buôn, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trung bình 20% cho giai đoạn 2023 - 2026.

Đối với mảng bán lẻ còn tương đối non trẻ và đang ở giai đoạn chú trọng xây dựng nền tảng, mục tiêu của chúng tôi là chiếm 10% thị phần trong phân khúc mục tiêu - tầng lớp có thu nhập khá giả trở lên tại TP.HCM và Hà Nội.

Ngân hàng theo đuổi chiến lược kinh doanh thế nào trong thời gian tới?

Chiến lược phát triển của UOB sẽ dựa trên 3 trụ cột chiến lược: Sự kết nối, Cá nhân hóa và Tính bền vững.

Đối với dịch vụ ngân hàng bán buôn, trọng tâm của chiến lược là Sự kết nối, nghĩa là tận dụng mạng lưới ASEAN rộng khắp để cung cấp sự hỗ trợ liền mạch cho khách hàng phát triển trong khu vực. Ngân hàng đang tăng tốc để hiện thực hóa các cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng với bộ sản phẩm và dịch vụ ngân hàng toàn diện trên các phân khúc kinh doanh.

Đối với ngân hàng bán lẻ, trọng tâm chiến lược của UOB là Cá nhân hóa, nghĩa là thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, đạt được thông qua sự kết hợp của 2 yếu tố: dữ liệu và những hiểu biết có được từ mối quan hệ với khách hàng, qua đó tạo ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu của khách hàng, theo phương thức gắn kết khách hàng và dự đoán tốt hơn các mục tiêu trong cuộc sống của họ.

Trụ cột chiến lược còn lại chính là chú trọng vào Tính bền vững. Chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển một cách có trách nhiệm và mang lại tác động tích cực đến môi trường cũng như thúc đẩy sự hòa nhập xã hội bên cạnh sự phát triển về kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   SeABank bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc (31/07/2023)

>   Ông Nguyễn Đức Lệnh: Tính thời điểm trong hỗ trợ doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng (31/07/2023)

>   Tăng thu dịch vụ, MSB tăng 6% lãi trước thuế nửa đầu năm (31/07/2023)

>   Tiền gửi khách hàng tăng 43%, HDBank lãi trước thuế 6 tháng 5,484 tỷ đồng (31/07/2023)

>   SeABank đạt hơn 2,016 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 (31/07/2023)

>   VIB: Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 tăng 12%, ROE đạt 29% (31/07/2023)

>   'Mở lối' dẫn vốn vào nền kinh tế (31/07/2023)

>   MB hút thêm được 4 triệu khách hàng mới trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng top đầu ngành (30/07/2023)

>   Tăng thu nợ đã xử lý, VIB tăng 12% lãi trước thuế 6 tháng (31/07/2023)

>   Giá USD duy trì đà tăng (30/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật