Thước đo sức mạnh của đồng yen ở gần mức thấp nhất kể từ năm 1970
Tỷ giá hối đoái thực (được điều chỉnh theo lạm phát) của đồng yen ở mức 74,31 vào tháng 7/2023, gần mức thấp nhất kể từ tháng 9/1970 - thời điểm đồng nội tệ Nhật Bản được chốt ở mức 360 yen đổi 1 USD.
Đồng yen của Nhật Bản sụt giảm mạnh so với các đồng tiền chính khác. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Thước đo sức mạnh của đồng yen của Nhật Bản so với các đồng tiền chủ chốt khác, như đồng USD và đồng euro, đang áp sát mức thấp nhất trong 53 năm, buộc Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn cho các nhu yếu phẩm nhập khẩu như năng lượng và thực phẩm.
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), tỷ giá hối đoái thực (đã được điều chỉnh theo lạm phát) của đồng yen ở mức 74,31 vào tháng 7/2023.
Con số này không cách xa mức "đáy" được xác lập gần đây nhất là 73,7 vào tháng 10/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 9/1970 - thời điểm đồng nội tệ Nhật Bản được chốt ở mức 360 yen đổi 1 USD.
Sự suy giảm này diễn ra sau nhiều thập kỷ giá cả tại Nhật Bản trì trệ, cũng như việc BoJ nới lỏng chính sách tiền tệ và lạm phát tại nước này chỉ mới bắt đầu tăng lên.
Đồng yen chạm mức thấp nhất trong hơn 9 tháng vào ngày 29/8, được giao dịch với giá trên 147 yen/USD.
Sức mua giảm được cảm nhận rõ ở hàng nhập khẩu. Mặc dù chỉ số giá nhập khẩu của Nhật Bản đã bắt đầu giảm tính theo đồng yen, nhưng vẫn cao hơn khoảng 10% so với cuối năm 2021, trước khi đồng tiền này trượt giá mạnh.
Giá xăng và các mặt hàng năng lượng khác, cũng như giá thực phẩm đã tăng rõ rệt.
Mizuho Research & Technologies ước tính rằng các hộ gia đình Nhật Bản sẽ phải đối mặt với việc bổ sung chi phí sinh hoạt trung bình khoảng 188.000 yen (1.280 USD)/hộ trong năm tài chính 2022-2023 nếu đồng yen duy trì ở mức khoảng 145 yen đổi 1 USD.
Và dự báo này đi kèm với giả định rằng các biện pháp ứng phó với lạm phát như chương trình hỗ trợ hóa đơn điện và khí đốt, cũng như chính sách ổn định giá xăng sẽ được tiếp tục áp dụng sau tháng 10/2023.
Nếu không có các biện pháp đó thì con số này có thể vượt 200.000 yen/hộ gia đình.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Saisuke Sakai của Mizuho Research cho biết gánh nặng đối với những người thu nhập thấp tương đối nặng nề. Giá hàng hóa tại siêu thị đã tăng lên đáng kể.
Dữ liệu của Nikkei cho thấy giá sữa và bơ đã tăng lần lượt 8% và 10% trong năm qua.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 30/8 cho biết, giá bán lẻ xăng trung bình của Nhật Bản đã tăng 1,9 yen lên mức cao kỷ lục 185,6 yen (1,27 USD)/lít trong tuần tính đến ngày 28/8, đánh dấu tuần tăng thứ 15 liên tiếp.
Giá xăng đang tăng đều đặn ở Nhật Bản do đồng yen suy yếu và giá dầu toàn cầu cao. Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã báo hiệu về khả năng gia hạn gói trợ cấp nhiên liệu tới cuối năm nay.
Đồng yen đã để mất khoảng 60% sức mua kể từ khi tỷ giá hối đoái thực đạt đỉnh vào tháng 4/1995, ghi dấu mức giảm lớn nhất trong số các nền kinh tế lớn, khi Nhật Bản phải vật lộn để thoát khỏi hàng thập kỷ lạm phát thấp hoặc giảm phát.
Chỉ số Big Mac của The Economist (sử dụng giá của bánh Big Mac - một loại bánh burger nổi tiếng của McDonald - để so sánh sức mua của các đồng tiền) cho thấy giá bánh Big Mac ở Nhật Bản chỉ tăng 15% kể từ tháng 4/1995, lên mức hiện tại là 450 yen (3,07 USD)/chiếc, trong khi ở Mỹ giá bánh này tăng hơn gấp đôi trong cùng giai đoạn, lên 5,58 USD/chiếc.
Mặc dù đồng yen yếu thường thúc đẩy xuất khẩu nhưng xuất khẩu của Nhật Bản lại đang bị đình trệ.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, ngay cả khi đồng yen sụt giảm so với đồng USD trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2022, khối lượng xuất khẩu của nước này vẫn giảm 3% trong cùng kỳ.
Việc đặt một số hoạt động sản xuất/kinh doanh ở nước ngoài là yếu tố chính dẫn tới kết quả này.
Dữ liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy các công ty Nhật Bản xử lý 26% hoạt động sản xuất của họ ở nước ngoài trong năm tài chính 2021, gần gấp đôi so với hai thập kỷ trước đó.
Nhập khẩu đắt hơn và xuất khẩu trì trệ đã dẫn đến tỷ giá thương mại của Nhật Bản - tỷ lệ giữa giá xuất khẩu và giá nhập khẩu - giảm 48% kể từ tháng 4/1995.
Điều này có nghĩa là tài sản của Nhật Bản đang có xu hướng chảy ra nước ngoài nhiều hơn, dẫn đến đồng yen yếu hơn.
Có những dấu hiệu cho thấy môi trường kinh tế đang thay đổi. Lạm phát của Nhật Bản đang vượt lạm phát của Mỹ và các doanh nghiệp đang tăng cường tăng lương.
Người ta hy vọng rằng điều này sẽ dẫn đến một chu kỳ tích cực thu hút đầu tư nước ngoài tại đất nước "Mặt trời mọc"./.
Minh Trang
Vietnamplus
|