Thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế để cải thiện cầu tín dụng
Để chính sách tiền tệ tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kinh tế, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, các giải pháp có liên quan về tài chính; về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh…
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM chia sẻ ở góc vĩ mô, khi phân tích đánh giá tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế nước ta hiện nay, 2 yếu tố chính được coi có ảnh hưởng lớn là: Cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và môi trường kinh tế xã hội, với nội hàm về thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và môi trường pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo đó, về mặt chính sách tiền tệ tín dụng, NHNN đã và đang thực hiện hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và toàn diện nhằm tác động, kích thích và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong đó, chính sách lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã vượt qua khó khăn, phục hồi tăng trưởng mà còn kích thích tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Khi lãi suất hợp lý, ổn định và ở mức thấp, thông thường doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển và thực hiện ý tưởng kinh doanh, qua đó kích thích nhu cầu vay vốn và kết quả là tín dụng tăng trưởng.
Trong khi đó, các chính sách về tăng hạn mức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Tất cả mục tiêu và ý nghĩa đó đã và đang được phát huy bởi chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất hiện nay của NHNN. Ngành ngân hàng đã và đang được thực hiện đồng bộ, quyết tâm để mở rộng và tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể:
Thứ nhất, cùng với việc thực hiện chính sách về lãi suất, tỷ giá và tín dụng, các TCTD đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân là những khách hàng hiện hữu của Ngân hàng. Trong đó, các TCTD Nhà nước đã phát huy vai trò tiên phong bằng việc chủ động giảm lãi suất cho vay, đồng thời liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Hành động này của ngành ngân hàng nói chung và các TCTD Nhà nước nói riêng có hiệu ứng lan tỏa lớn. Chỉ riêng tại TPHCM, khối NHTM Nhà nước luôn chiếm thị phần tín dụng ở mức gần 30% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, việc điều chỉnh lãi suất và tiên phong trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của khối này có ý nghĩa lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, đặc biệt trong điều kiện hiện nay.
Thứ hai, tác động của chính sách đã và đang phát huy, nhất là về lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất hợp lý; sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận lợi và mang lại lợi ích tối đa với những sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục đồng thuận và cam kết giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để tạo hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba, ngành Ngân hàng tích cực, khẩn trương đưa cơ chế chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng các hành động cụ thể. Trong đó, tăng cường tổ chức chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, gắn với việc thực hiện giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ… Không chỉ đưa cơ chế chính sách vào thực tế cuộc sống nhanh, hiệu quả, mà thông qua chương trình kết nối này còn trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua hoạt động đối thoại doanh nghiệp, truyền thông chính sách và ký kết các hợp đồng tín dụng tại chương trình.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, đến nay, gói tín dụng ưu đãi của chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã giải ngân 420,968 tỷ đồng, cho 101,123 khách hàng, bằng 93% gói tín dụng được các TCTD đăng ký từ đầu năm; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đạt 10,239 tỷ đồng cho 9,659 khách hàng; Thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 đạt 18,309 tỷ đồng cho 308 khách hàng, doanh nghiệp đang hoạt động trong nhóm ngành lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giao dục đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội (là nhóm ngành, lĩnh vực được hỗ trợ theo quy định).
Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước đây, mà nguyên nhân chính của tình hình này chủ yếu do nhu cầu vốn trong nền kinh tế thấp, khó khăn của thị trường, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã ảnh hưởng nhất định đến quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn, nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh… Những điều này tác động trực tiếp đến nhu cầu và kết quả tăng trưởng tín dụng.
Việc đánh giá và nhận diện nguyên nhân như vậy là rất cần thiết, từ đó để sử dụng phối hợp hiệu quả hơn các công cụ quản lý và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bản thân ngành ngân hàng, bằng những hành động cụ thể cùng với chính sách tiền tệ tín dụng đang triển khai đã rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng khi thị trường, nền kinh tế khởi sắc với những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, để chính sách tiền tệ tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kinh tế, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, các giải pháp có liên quan về tài chính; về thị trường tiêu thụ, về hoạt động xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư kinh doanh… nhằm tạo những hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn và tác động tích cực đối với các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Theo đó, cầu tín dụng sẽ tăng khi các hoạt động này được cải thiện và tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng sẽ phục hồi tốt hơn nếu phát huy các giải pháp đồng bộ và hành động quyết tâm, phối hợp hiệu quả chính sách và thực hiện toàn diện.
Hàn Đông
FILI
|