Thứ Tư, 16/08/2023 21:00

Đô la hóa là gì?

Đô la hóa là hiện tượng vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển. Hãy cùng tìm hiểu hiện tượng này thông qua các câu hỏi trắc nghiệm sau đây.

Câu 1: Đô la hóa là gì?

  • Là biện pháp chủ động làm giảm giá trị đồng nội tệ so với ngoại tệ.
  • Là hiện tượng một ngoại tệ được sử dụng bổ sung.
  • Là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm 25% trong tổng khối tiền tệ mở rộng.
  • Là hiện tượng một ngoại tệ được sử dụng bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn nội tệ giữ vai trò là đồng tiền pháp định.

Đôla hóa là thuật ngữ chỉ hiện tượng một ngoại tệ được sử dụng bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn nội tệ giữ vai trò là đồng tiền pháp định.
Ngoài ra, đô la hóa còn được hiểu là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng bao gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ.

Câu 2: Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng đô la hóa?

  • Do giảm phát kéo dài.
  • Do lạm phát cao và kéo dài.
  • Nhu cầu thanh toán quốc tế giảm.
  • Cả 3 câu trên đều đúng.

Hiện tượng đô la hóa diễn ra khá phổ biến tại các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Tuy nhiên, với mỗi nước khác nhau nguyên nhân gây ra tình trạng đô la hóa cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế:
- Do đồng nội tệ chưa tự do chuyển đổi: Tại một quốc gia, đồng tiền nội tệ chưa được tự do chuyển đổi, đặc biệt là tự do chuyển đổi cán cân vãng lai thì đồng tiền nội tệ sẽ trở nên kém hấp dẫn so với ngoại tệ. Từ đó tình trạng dự trữ ngoại tệ sẽ xảy ra và kết quả là đồng ngoại tệ sẽ lấn át đồng nội tệ trong chức năng cất trữ và hiện tượng đô la hóa sẽ tồn tại như một hiện tượng kinh tế khách quan.
- Do lạm phát cao và kéo dài: Nếu một nền kinh tế mà giá trị đồng nội tệ có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền ngoại tệ khác thì trong ba chức năng của tiền tệ, chức năng dự trữ giá trị của tiền tệ luôn được xem xét đầu tiên khi quyết định danh mục đầu tư tài sản, tài chính. Nếu một nền kinh tế mà đồng nội tệ bị mất giá, sức mua giảm sút thì người dân sẽ không dự trữ bằng đồng nội tệ mà thường đầu tư bằng ngoại tệ để đảm bảo giá trị tài sản.
- Chính sách quản lý ngoại hối lỏng: Các chính sách về quản lý ngoại hối ở các nước cho phép người dân được cất trữ, nhận, thanh toán, gửi rút ra bằng ngoại tệ một cách tự do sẽ góp phần làm gia tăng mức độ đô la hóa. Theo đó, nếu các nước có chính sách ngoại hối cho phép các doanh nghiệp được nhận ngoại tệ quá rộng rãi, các ngân hàng mở thu đổi ngoại tệ tràn lan hay các chính sách kiều hối cho phép dân chúng nhận, gửi, rút ra bằng ngoại tệ một cách dễ dàng thì ở nước đó đang tạo điều kiện thuận lợi cho hiện tượng đô la hóa gia tăng.
- Hệ thống thanh toán ngân hàng chưa phát triển: Nếu một quốc gia mà việc thanh toán bằng đồng nội tệ đôi khi còn gặp khó khăn do hệ thống ngân hàng kém phát triển, hoạt động thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt và với các nước có mệnh giá nhỏ thì hoạt động thanh toán tiền mặt bằng ngoại tệ sẽ phát triển. Từ đó làm gia tăng hiện tượng đô la hóa thay thế thanh toán.
- Nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và sự ảnh hưởng từ các dòng vốn quốc tế. Từ đó doanh nghiệp có nhu cầu nắm giữ một lượng ngoại tệ để mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế
- Việc thực thi pháp luật, pháp lệnh ngoại hối chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nên các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ vẫn tồn tại trên thị trường tự do.
- Lượng du khách nước ngoài gia tăng, số lượng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập gia tăng kéo theo đó là sự gia tăng lượng ngoại tệ chi tiêu.
- Do thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ của người dân.

Câu hòi 3: Đô la hóa ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

  • Hạ thấp chi phí giao dịch.
  • Hạ thấp lạm phát hiện tại và rủi ro lạm phát trong tương lai thấp hơn.
  • Làm yếu kém hoạt động và hiệu quả chính sách tài chính.
  • Cả 3 câu trên đều đúng.

Hiện tượng đô la hóa khi xảy ra sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế của một quốc giá. Cụ thể như sau:
Tác động tích cực
- Hạ thấp chi phí giao dịch: Tại những nước xảy ra tình trạng đô la hóa chính thức, các chi phí như chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán khi chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác được xoá bỏ. Đô la hóa chính thức cũng loại bỏ những giao dịch với các nước khác. Ngoài ra, các chi phí dự phòng cho rủi ro tỷ giá cũng không cần thiết, điều này giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí còn giúp các ngân hàng có thể hạ thấp lượng dự trữ, vì thế giảm được chi phí kinh doanh.
- Hạ thấp lạm phát hiện tại và rủi ro lạm phát trong tương lai thấp hơn: Bằng việc sử dụng đồng ngoại tệ, các nước đô la hóa chính thức bảo đảm duy trì tỷ lệ lạm phát gần với mức lạm phát thấp ở các nước phát hành đồng ngoại tệ. Khi lạm phát thấp sẽ làm tăng sự an toàn đối với tài sản tư nhân, khuyến khích tiết kiệm và cho vay dài hạn. Ngoài ra, lạm phát thấp còn giúp những người có thu nhập ổn định và những người nghèo có các tài khoản tại ngân hàng và đảm bảo rằng tiết kiệm của họ được duy trì giá trị.
- Lãi suất thấp hơn khuyến khích phát triển kinh tế: Theo đó, tại các nước đô la hóa chính thức, người ta sẽ thực hiện so sánh và tiếp nhận đồng tiền nào có giá trị hơn, có mặt bằng lãi suất thấp hơn. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ cho phép tăng trưởng kinh tế cao hơn và tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách so với các nước công nghiệp.
- Khuyến khích tự do thương mại và đầu tư quốc tế: Các nước thực hiện đô la hóa chính thức có thể loại bỏ rủi ro cán cân thanh toán và những kiểm soát mua ngoại tệ, khuyến khích tự do thương mại và đầu tư quốc tế. Đặc biệt là khi một nền kinh tế bị đô la hóa hoàn toàn thì Ngân hàng Trung ương sẽ không còn khả năng phát hành nhiều tiền và gây lạm phát, đồng thời ngân sách nhà nước sẽ không trông chờ vào nguồn phát hành này để trang trải thâm hụt, kỷ luật về tiền tệ và ngân sách được thắt chặt. Từ đó các chương trình ngân sách sẽ mang tính tích cực hơn.
- Đô la hóa ở mức độ lớn sẽ thu hẹp chênh lệch tỷ giá trên hai thị trường chính thức và phi chính thức.
Tác động tiêu cực
- Đô la hóa làm yếu kém hoạt động và hiệu quả chính sách tài chính. Theo đó, tình trạng này sẽ hạ thấp doanh thu từ phát hành tiền và làm trầm trọng hơn tác động lạm phát từ việc tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua hệ thống ngân hàng
- Đô la hóa cho phép một bộ phận nhất định các hoạt động kinh tế trốn thuế.
- Đô la hóa làm yếu kém hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp vì nó đã góp phần làm chệch hướng sản xuất sang thị trường không chính thức.
- Đô la hóa làm giảm hiệu quả kiểm soát tiền tệ. Theo đó, đô la hóa không chính thức có thể khiến cho cầu về nội tệ không ổn định. Nếu mọi người bất ngờ chuyển sang ngoại tệ có thể làm cho đồng nội tệ mất giá và bắt đầu một chu kỳ lạm phát. Ngoài ra, khi người dân giữ một khối lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ, những thay đổi về lãi suất trong nước hay nước ngoài có thể gây ra sự dịch chuyển lớn từ đồng tiền này sang đồng tiền khác. Chính những thay đổi này sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc đặt mục tiêu cung tiền trong nước, từ đó có thể gây ra những bất ổn định trong hệ thống ngân hàng.
- Đô la hóa làm giảm hiệu lực của chính sách tỷ giá. Theo đó, nó sẽ tác động đến cơ chế truyền dẫn của tỷ giá hối đoái. Tác động khuếch đại của phá giá tiền tệ sẽ trở nên yếu kém do phá giá tiền tệ chỉ tác động đến một bộ phận nhỏ hơn các tài khoản có tính thanh khoản.
- Đô la hóa chính thức sẽ làm mất đi ngân hàng trung ương và chức năng của nó là người cho vay cuối cùng của các ngân hàng.
- Đô la hóa đặt các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu trước những rủi ro lớn hơn như vấn đề cạnh tranh. Cạnh tranh càng trở nên khốc liệt khi sự hội nhập đó xuất phát từ đô la hóa. Khi không có khả năng phá giá tiền tệ, các nhà kinh doanh mất đi một công cụ để thâm nhập, chiếm lĩnh hay làm chủ thị trường.
Có thể thấy, đô la hóa sẽ có những tác đồng cụ thể đối với từng nền kinh tế. Cho nên với các quốc gia hiện đang bị đô la hóa không chính thức thì nên tìm phương pháp đối phó với đô la hóa thay vì nghĩ đến việc đô la hóa toàn bộ nền kinh tế.

Trạng Chứng

FILI

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TCTD giảm lãi suất cho vay 1.5 - 2%/năm (15/08/2023)

>   Vì sao có tiền mà không giải ngân được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng? (15/08/2023)

>   Ngân hàng bán hạ giá tài sản thế chấp của một Hoa hậu (15/08/2023)

>   Vietbank dự kiến chào bán 100.3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu trong quý 3, 4 (14/08/2023)

>   SHB cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho các đơn vị hành chính sự nghiệp (14/08/2023)

>   Bà Trần Tuấn Anh làm Tổng Giám đốc Vietbank (14/08/2023)

>   Tín dụng đến cuối tháng 7 tăng trưởng 4.3% so với đầu năm (14/08/2023)

>   Vì sao NCB được bình chọn là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023”? (14/08/2023)

>   Nỗ lực giảm áp lực trả lãi, TPBank giúp người đi vay an tâm kinh doanh (14/08/2023)

>   Tài khoản lừa đảo nhận tiền về, ngân hàng đang xử lý ra sao? (14/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật