Thứ Ba, 22/08/2023 11:08

Nguy cơ lạm phát giá thực phẩm khi giá gạo tăng mạnh

Theo cơ quan thực phẩm của Liên Hiệp Quốc (UN), giá gạo tăng lên mức đỉnh gần 12 năm sau khi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ và các điều kiện thời tiết bất lợi kéo giảm nguồn cung tại châu Á.

“Giá gạo toàn cầu đang ở mức đáng lo ngại”, Qingfeng Zhang, Giám đốc cấp cao từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói với CNBC. “Nhiều khả năng giá thực phẩm sẽ tiếp tục biến động trong vài tháng tới”.

Hiện lạm phát giá thực phẩm vẫn còn chưa quá cao ở châu Á. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng loạt yếu tố đe dọa tới nguồn cung gạo có thể khiến giá thực phẩm ở châu Á tăng trên diện rộng.

Các yếu tố có thể kể tới như thời tiết khắc nghiệt cùng với hiện tượng El Nino, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và các chính sách bảo hộ dưới dạng hạn chế thương mại.

El Nino là hiện tượng khí hậu tự nhiên thường gắn liền với nhiệt độ cao trên toàn cầu, gây hạn hán ở một số khu vực và mưa lớn ở các nơi khác.

Tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng giá thực phẩm trong giai đoạn 2010-2021, ADB ước tính mức tăng 30% của giá thực phẩm quốc tế sẽ dẫn tới giá thực phẩm ở các nước châu Á đang phát triển tăng 10%. Từ đó, kéo giảm tăng trưởng GDP ở các quốc gia nhập khẩu thực phẩm ở châu Á khoảng 0.6 điểm phần trăm.

Ngoài ra, theo ước tính của ADB, nếu giá thực phẩm nội địa ở các quốc gia châu Á đang phát triển tăng 10%, thì có khoảng 64.4 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.

Dự trữ gạo ở các nước ra sao?

Tại thời điểm này, phần lớn quốc gia châu Á đều có khả năng vượt qua cú sốc về nguồn cung gạo.

“Giá chắc chắn sẽ tăng vọt và gây báo động, đồng thời cũng dẫn tới những câu chuyện tích trữ trong hoảng loạn”, Erica Tay, Chuyên gia kinh tế về Thái Lan và Trung Quốc tại Maybank, chia sẻ. “Nhưng nếu bạn nhìn tới con số tổng cung và tổng cầu, các quốc gia châu Á đang có vị thế tốt để vượt qua những khó khăn này”.

Vị chuyên gia chi tới việc một số quốc gia đang xuất khẩu gạo ròng như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia như một tín hiệu cho thấy họ sẽ dễ dàng vượt qua cú sốc lần này.

Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường gạo lớn nhất thế giới - chỉ nhập khẩu 1% nhu cầu gạo từ Việt Nam và Myanmar, vì vậy họ “ít bị tác động” bởi cú sốc từ Ấn Độ, bà Tay cho biết thêm.

Hơn nữa, đà tăng vọt của giá gạo diễn ra khi giá thực phẩm đã suy giảm trong thời gian qua. Theo chỉ số của UN, giá thực phẩm đã giảm 23% so với mức đỉnh hồi tháng 3/2022.

Nguồn cung gạo ở Trung Quốc đang bị đe dọa sau khi 3 tỉnh chiếm gần 25% sản lượng gạo xuất hiện tình trạng lũ lụt. Tuy nhiên, Tay cho biết dự trữ gạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ít nhất vẫn còn đủ dùng cho 8 tháng.  

“Đây là một trong những di sản mà COVID để lại”, Tay cho biết. “Các quốc gia nhận ra rằng dù xảy ra cú sốc về thương mại hay cú sốc về nông nghiệp, họ cần phải chuẩn bị để vượt qua các cú sốc này. Họ thực sự đã rút ra bài học trong 3 năm qua”.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh an ninh lương thực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem việc nhập khẩu thực phẩm là một rủi ro ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

“Nếu nhìn xa hơn, chúng ta phải cẩn trọng trước hiện tượng El Nino”, Tay cho biết. “Có thể sẽ có sự gián đoạn trong nguồn cung nông sản”.

Bà nói thêm điều đáng ngại là không chỉ nguồn cung gạo bị ảnh hưởng mà sản lượng nông sản cũng bị tác động tiêu cực. “Điều này dẫn tới rủi ro lạm phát giá tiêu dùng tăng mạnh”, Tay cho biết.

Trong một báo cáo ngày 03/08, Morgan Stanley cho biết dự trữ lương thực toàn cầu tăng cao, đặc biệt là ở châu Á, giúp hạn chế sự biến động trong sản xuất và giảm thiểu tác động kinh tế từ quan điểm của người tiêu dùng.

Do đó, ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Mỹ dự kiến sự biến động xung quanh El Nino trước tiên sẽ biểu hiện thông qua lạm phát và sau đó là cán cân thương mại ròng.

Điều này đặc biệt là do thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn - khoảng 30% đến 40% - trong rổ chỉ số giá tiêu dùng ở hầu hết các nước mới nổi ở châu Á.

Ngoại trừ Australia, Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương đều là những nhà nhập khẩu lương thực ròng. Singapore và Hồng Kông phụ thuộc vào nhập khẩu 100% nhu cầu tiêu thụ gạo của họ.

Philippines được cho là quốc gia “dễ bị tổn thương nhất” trước sự tăng vọt của giá lương thực, do tỷ trọng thực phẩm trong giỏ lạm phát giá tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao ở mức 34.8% - chỉ riêng gạo đã chiếm 8.9% trong rổ.

Paul Hughes, Chuyên gia kinh tế nông nghiệp kiêm Giám đốc nghiên cứu của S&P Global, cho biết các hộ gia đình có thu nhập thấp chắc chắn sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dù họ ở các nước phát triển hay đang phát triển.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Đường mía và biện pháp phòng vệ: Nhìn xuôi và nhìn ngược (22/08/2023)

>   Giá gạo thuộc chương trình bình ổn tăng 1.500-2.000 đồng/kg từ 21-8 (21/08/2023)

>   Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường kiểm tra để ngăn chặn hành vi đầu cơ mặt hàng gạo (21/08/2023)

>   Vượt Thái Lan, giá gạo Việt cao nhất thế giới (19/08/2023)

>   Reuters: Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đàm phán lại giá cao hơn (18/08/2023)

>   Lệnh cấm của Ấn Độ khiến thị trường gạo Thái Lan hỗn loạn (17/08/2023)

>   Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ khiến giao dịch gạo tại Thái Lan hỗn loạn (17/08/2023)

>   Sàn giao dịch thịt heo ở TP HCM sẽ làm những việc gì? (16/08/2023)

>   Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa, bởi đây là vấn đề của thị trường (15/08/2023)

>   Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp phải ứng phó với "3 chữ biến" (15/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật