Lợi nhuận của Apple tiếp tục tăng trưởng nhờ mảng dịch vụ
“Táo khuyết” cho thấy sự vững chắc trong hoạt động kinh doanh trong quý gần nhất, khi mảng dịch vụ bù đắp cho sự suy giảm của các mảng điện thoại và laptop. Đáng chú ý, số người đăng ký dịch vụ kỹ thuật số của Apple đã vượt mốc 1 triệu người.
Ngày 03/08, công ty lớn nhất thế giới cho biết tổng doanh thu giảm 1% xuống 81.8 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 6/2023, đánh dấu 3 quý giảm liên tiếp. Tuy vậy, mức này vẫn cao hơn so với dự báo 81.7 tỷ USD từ các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv.
Tuy vậy, lãi ròng của Apple vẫn tăng 2.3% lên 19.9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với dự báo 18.7 tỷ USD từ các chuyên gia Phố Wall. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng 5% lên 1.26 USD, cao hơn dự báo 1.2 USD.
Cổ phiếu Apple giảm 2.2% trong giờ giao dịch sau khi kết phiên (after-market trading). Một số chuyên viên phân tích cho rằng cổ phiếu giảm là do sự suy yếu của mảng phần cứng.
“Cả iPhone và iPad đều ghi nhận doanh số yếu”, David Wagner, Chuyên gia quản lý danh mục tại Aptus Capital Advisors, chia sẻ.
Người đăng ký dịch vụ trả phí của Apple tăng thêm 150 triệu người
Doanh số bán iPhone, Mac và iPad đều thấp hơn so với cùng kỳ, dẫn đầu là đà giảm 20% của doanh số iPad. Doanh số bán iPhone - vốn chiếm 48% doanh thu - giảm 2.4%. Doanh số bán các thiết bị đeo - như AirPods và Apple Watch - tăng 2.5%.
Doanh thu của mảng dịch vụ tăng 8% so với cùng kỳ, lên mức kỷ lục 21.2 tỷ USD khi số người đăng ký dịch vụ trả phí tăng thêm 150 triệu người. Con số này cũng cao hơn dự báo 20.8 tỷ USD từ các chuyên gia. Mảng dịch vụ bao gồm doanh thu từ cửa hàng ứng dụng App Store, iCloud và Apple Music.
Số người đăng ký dịch vụ trả phí của Apple cao gấp đôi số người dùng của Disney+, Netflix, HBO và Peloton cộng lại. Dịch vụ cũng có biên lợi nhuận lên tới 71%, gần như gấp đôi so với mảng phần cứng.
Chính mảng dịch vụ là “cứu cánh” giúp Apple tăng trưởng về lợi nhuận trong giai đoạn tháng 4-6/2023.
Chia sẻ với Financial Times, Giám đốc Tài chính Apple Luca Maestri cho biết tổng số người đăng ký dịch vụ trả phí đã “cao gấp đôi so với thời điểm 3 năm trước”.
Ông nói thêm: “Mảng dịch vụ rất quan trọng với chúng tôi. Chúng củng cố hệ sinh thái và giúp hoạt động kinh doanh giảm phụ thuộc vào thành tích của các sản phẩm”.
Thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, Ấn Độ là cơ hội lớn
Doanh thu ở khu vực Trung Quốc tăng 7.9% lên 15.8 tỷ USD, qua đó bù đắp phần nào cho mức giảm 5.6% của châu Mỹ - thị trường lớn nhất của Apple. Trong giai đoạn này, khu vực châu Mỹ mang về 35.4 tỷ USD doang thu.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư, CEO Tim Cook cho biết Apple “đã làm cực kỳ tốt ở các thị trường mới nổi trong quý trước”. Ông xem Ấn Độ là cơ hội lớn cho Apple vì thị phần của “táo khuyết” ở thị trường này vẫn còn rất “khiêm tốn”. Trước đó, công ty mới mở 2 cửa hàng lớn đầu tiên ở Ấn Độ.
Trong 2 quý trước, Apple gặp vô vàn khó khăn vì sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và môi trường vĩ mô thách thức. Ngoài ra, doanh thu quốc tế còn bị tác động bởi đồng USD mạnh hơn. Trong tháng 5/2023, ông Cook nói tới “hàng loạt điều kinh khủng” đã xảy ra, nhưng cũng đề cao “sự vững chắc” của Apple.
Giai đoạn tệ nhất đã qua
Maestri cho biết giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. “Chúng tôi không hề thiếu hụt nguyên vật liệu và cũng không có gián đoạn cung ứng vì COVID-19 nữa”.
Dù vậy, Apple vẫn ghi nhận suy giảm doanh thu 3 quý liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ năm 2016.
Ông Maestri chia sẻ Apple đã kiểm soát chi phí, bao gồm việc giảm nhịp độ tuyển dụng. “Chúng tôi khá hiệu quả trong việc tiết chế chi tiêu”, ông nói.
Trong quý kết thúc vào tháng 6/2023, Apple ghi nhận biên lợi nhuận hoạt động kỷ lục ở mức 44.5%, cao hơn mức 44.3% của cùng kỳ và mức 37.6% của giai đoạn trước COVID.
Vũ Hạo (Theo FT)
FILI
|