HOREA kiến nghị NHNN lùi thời gian hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn
Sau thông tin NHNN ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực một số quy định của Thông tư 06, HOREA tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi đến NHNN nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp ở một số thông tư trước đó.
Trong văn bản ngày 24/08, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) về việc các tổ chức tín dụng “phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%” theo hướng đề nghị gia hạn thêm 12 tháng, đồng nghĩa thời gian áp dụng sẽ là ngày 01/10/2024 thay vì 01/10/2023 như thông báo trước đây.
Hiệp hội cho rằng việc lùi thời gian sẽ giúp các tổ chức tín dụng sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động ngắn hạn.
Tiếp đó, HOREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét “bãi bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP liên quan đến việc cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình.
Cụ thể, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN được ban hành trước 1 năm so với Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Trong đó, điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16 cho rằng trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu gồm: là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo đúng quy định của pháp luật; được phát hành bằng đồng Việt Nam; thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu). Còn Nghị định 65 cho phép “2. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp…”.
Trên cơ sở này, HOREA cho rằng hoạt động phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính mình là hợp pháp. Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và tổ chức tín dụng có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng. Vì vậy, HOREA đánh gía rất cần thiết phải “bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị NHNN tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định “bất cập” tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp, Hiệp hội và chuyên gia đã kiến nghị, bởi lẽ Thông tư 10/2023/TT-NHNN vào ngày 23/08 chỉ mới “ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này”. HOREA cho rằng tại thời điểm hiện nay thì chưa có “văn bản quy phạm pháp luật” nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này.
* NHNN ngưng hiệu lực một số nội dung Thông tư 06
Hà Lễ
FILI
|