Dự báo mới nhất của WB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại nhưng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo, theo bản cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) có tựa đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng" công bố sáng 10-8.
Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Báo cáo dự báo mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, phát biểu tại họp báo.
|
Theo WB, chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện hiệu quả đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
"Nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế" - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết.
Theo bà Carolyn Turk, ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng - vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.
Chuyên gia kinh tế của WB nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023 có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.
|
Báo cáo do bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB, trình bày đã đề xuất một số lựa chọn chính sách để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo. Trong đó, báo cáo nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023 có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.
"Nợ vẫn ở mức bền vững và Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào để sử dụng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho tổng cầu" - chuyên gia Kinh tế cao cấp WB đánh giá
Về xuất khẩu, báo cáo đề xuất đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững.
Chuyên đề đặc biệt của báo cáo nghiên cứu về quản lý đầu tư công của Việt Nam và cách để đầu tư công có thể đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam lên mức thu nhập cao hơn.
Để khai thác sức mạnh của đầu tư công, báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án và khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công và thể chế tài chính liên ngành.
Cải cách trong lĩnh vực điện và ngân hàng
Nhấn mạnh rủi ro chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi, nguy cơ nợ xấu gia tăng, chuyên gia kinh tế WB khuyến nghị chính sách về khu vực tài chính: Củng cố tỉ lệ an toàn vốn của các ngân hàng; tăng cường cơ chế thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng; tăng cường cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém; sửa đổi Luật về cac tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước có vai trò hết sức quan trọng nhằm xử lý những yếu kém mang tính cơ cấu.
Lưu ý khả năng thiếu điện là một trong những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới, chuyên gia WB khuyến nghị cải cách cơ cấu để đảm bảo phục hồi bền vững: Đầu tư cho truyền tải năng lượng, hình thành khả năng chống chịu biến đổi khí hậu toàn cầu (trong đó tính đến yếu tố thích ứng và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu trong quyết định đầu tư, xanh hóa sản xuất qua áp thuế các-bon và các công cụ tài khóa khác).
|
Rủi ro cần lưu ý
Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB Dorsati Madani lưu ý các rủi ro gồm: Nhu cầu trên toàn cầu yếu hơn so dự kiến; điều kiện huy động tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt / gia tăng khoảng cách về vị thế chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển. Việc này có thể dẫn đến dòng vốn chạy ra khỏi nước và gây áp lực cho tỉ giá.
Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ cần phối hợp với chính sách tài khóa. Dư địa chính sách tiền tệ có hạn chế, kênh tác động truyền dẫn còn yếu nên tiếp tục cắt giảm lãi suất chưa chắc đã hiệu quả trong ngắn hạn do cơ chế truyền dẫn không hiệu quả, và nhu cầu không cao. Cần cho phép tỉ giá linh hoạt hơn trong biên độ hiện tại sẽ tạo điều kiện để xử lý nhanh hơn biến động trên thị trường ngoại hối / tránh cạn kiệt dự trữ ngoại hối.
|
Dương Ngọc
Người lao động
|