Doanh nghiệp hiến kế đánh thuế đất lũy tiến hàng năm để chống đầu cơ đất
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS), ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG kiến nghị Ban soạn thảo Luật Đất đai bổ sung và áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế luỹ tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh.
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Tự Minh cho rằng bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở 3 vấn đề.
Thứ nhất là chống đầu cơ đất. Hiện nay, người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất "nằm ngủ" không phát huy tác dụng, rất phí phạm.
Kinh nghiệm của các nước là dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ. Chúng tôi có dự án ở Australia, mỗi năm chúng tôi phải nộp thuế đất 2%. Giá đất là do cơ quan thuế định giá hằng năm một cách độc lập. Mỗi năm, chúng tôi phải đóng thuế đất 700,000-800,000 đô la khi chưa thực hiện dự án. Năm nay, chính quyền địa phương quyết định tăng mức thuế này lên 4%, rất cao.
Nếu Việt Nam thực hiện chính sách này thì chỉ có những người thật sự làm dự án mới dám giữ đất và khi giữ đất thì phải làm dự án rất nhanh. Biện pháp này không chỉ chống đầu cơ đất mà còn giúp cho Bộ Tài chính có một nguồn thu lớn.
Chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo Luật Đất đai bổ sung và áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế luỹ tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời, giống như nước ngoài đang thực hiện.
Thứ hai, chúng tôi cảm ơn NHNN đã có những biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường BĐS, tuy nhiên việc tăng lãi suất nên có thời hạn và có định lượng.
Đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%. Lãi suất trung hạn cao, các doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì BĐS. Nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8.5% cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á.
Nên có biện pháp không cho hoặc hạn chế các doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng và ngược lại vì các doanh nghiệp tham gia cả 2 lĩnh vực này huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính doanh nghiệp mình và ít có tác dụng với xã hội.
Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính. Khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.
Ở doanh nghiệp, chúng tôi giao việc kèm deadline, cán bộ sai deadline mà không có lý do chính đáng, không được cấp trên đồng ý điều chỉnh thì sẽ bị phạt hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô.
Kiến nghị, cần có quy định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn.
Lãnh đạo IMG cũng đề nghị Bộ KH&ĐT cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được kéo dài thời hạn thuê đất hoặc cho doanh nghiệp được trả tiền đất 70 năm để các khu công nghiệp có đủ độ dài của thời hạn, đủ sức hấp dẫn đối tác thuê đất. Việc này vừa đúng luật vừa tăng thêm nguồn thu cho địa phương.
Đề xuất đánh thuế đất cao từng được các chuyên gia nêu trước đây để ngăn đầu cơ, thổi giá đất. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra giữa năm ngoái, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng từng đề xuất áp dụng chính sách này với các dự án, người mua đất nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường lên giá để thu lời. Tuy nhiên sau nhiều cân nhắc, chính sách này chưa được đưa vào khi sửa luật.
Phản hồi về các kiến nghị liên quan về thuế với nhà ở thứ hai hoặc nhiều nhà nhiều đất, đất chậm đưa vào sử dụng…, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ cũng đã nghiên cứu những vấn đề này lâu nay và đang tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt đánh giá tác động của các chính sách thuế. Mỗi chính sách thuế ra có những tác động khác nhau, nhiều chiều, có thể chúng ta đưa ra để đạt được mục tiêu tránh đầu cơ nhưng lại hạn chế cầu với thị trường bất động sản. Chúng tôi phải đánh giá kỹ, xem xét mục tiêu trước mắt cũng như trung và dài hạn với thị trường bất động sản, trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung hay đưa thêm sắc thuế gì để đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Nhật Quang
FILI
|