Thứ Hai, 31/07/2023 07:13

Đề xuất 3 trường hợp tự thỏa thuận khi thu hồi đất

Đại biểu Quốc hội đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nên quy định ba trường hợp doanh nghiệp - người dân tự thỏa thuận khi thu hồi đất…

Cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại đây, đại biểu (ĐB) QH Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) đã có những góp ý đáng chú ý liên quan đến hai vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay, đó là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và định giá đất.

Chỗ ở, thu nhập: “Có vẻ thấy khó quá nên bỏ đi?”

Ông Hoàng Văn Cường cho hay dự thảo đầu tiên quy định nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, quy định này hiện không còn trong dự thảo. “Có vẻ thấy khó quá, không cụ thể nên lại bỏ đi” - ông Cường bình luận.

“Chúng ta không nên lảng tránh việc này” - ĐBQH Đoàn Hà Nội nói thêm. Theo ông, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý, sử dụng đất đưa ra nguyên tắc trên “rất đúng” và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải “thể chế hóa”, làm thế nào để có chỗ ở tốt hơn.

Đại biểu quốc hội đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nên quy định ba trường hợp doanh nghiệp - người dân tự thỏa thuận khi thu hồi đất… Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

“Chỗ ở tốt hơn không có nghĩa là anh đang ở biệt thự, sau phải có biệt thự to hơn…”. Ông Cường cho rằng “chỗ ở tốt hơn” là nếu phải di dời, người dân trước hết phải được (ưu tiên) tái định cư tại chỗ. Trường hợp buộc phải di chuyển đến nơi mới thì nơi mới đó phải là nơi tốt nhất.

“Hà Nội giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 rất nhanh. Đồng chí bí thư Thành ủy nói rõ dành cho tái định cư đất đẹp nhất, tốt nhất chứ không phải lấy đất đó để đấu giá. Đẹp nhất, tốt nhất là mọi người sẵn sàng chuyển đến ngay” - ông Cường dẫn chứng.

Một yếu tố quan trọng khác là thu nhập. Ông Cường cho rằng gần như các phương án bồi thường, thu hồi đất đều bỏ qua vấn đề này: “Chính vì bỏ qua thu nhập, tức là người bị di dời mất việc làm, chúng ta không tạo những cơ hội để họ có được việc làm nên sinh ra rất nhiều chuyện”.

Chỉ cần 1% người dân không đồng ý là thua

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Đoàn Hà Nội đặt vấn đề: Khi Nhà nước thu hồi đất, chúng ta thực hiện được các cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm nguyên tắc trên được tốt hơn hay để người dân và doanh nghiệp (DN) có dự án tự thỏa thuận tốt hơn?

“Việc người dân tự thỏa thuận với DN, tôi chưa nghe thấy khen ưu điểm là gì, có chăng là khen được quyền tự thỏa thuận” - ông Cường nói.

Liệt kê hàng loạt nhược điểm, ông Cường cho rằng bản thân người dân cũng không bình đẳng, không phải người dân nào trong một dự án thỏa thuận cũng được hưởng như nhau. “Có những người giỏi hơn, biết cách hơn, họ có thể “đi đêm” với chủ đầu tư. Ngược lại, chủ đầu tư cũng có thể “đi đêm” với một số người sành sỏi và những người này trở thành “người dẫn dắt”. Vô hình trung số người còn lại sẽ phải chấp nhận những điều kiện thấp hơn…” - ông Cường nói.

Đó là chưa kể nếu áp dụng cơ chế tự thỏa thuận, trong nhiều trường hợp, chỉ cần 1% người dân không đồng ý là dự án đổ bể.

“Nhà nước phê duyệt dự án là phê duyệt theo quy hoạch, tại sao Nhà nước lại buông bỏ quyền thu hồi? Việc để tự thỏa thuận vừa khó cho nhà đầu tư vừa không bình đẳng cho người dân. Nguy hại hơn, nhà đầu tư bồi thường, trả cho người dân một cục tiền là xong, không cần biết tương lai người dân phải di dời thế nào, sống ở đâu…” - ông Cường nói và cho biết ở nhiều nơi, người dân nhận tiền xong tiêu xài hết, sau đó phát sinh rất nhiều hệ lụy về mặt xã hội…

Ba nhóm để DN - người dân tự thỏa thuận

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất ba nhóm cho phép nhà đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Nhóm thứ nhất, người dân và DN cần đầu tư một dự án sản xuất không cần có quyết định phê duyệt của Nhà nước. Nhóm thứ hai, dự án nhà nước phê duyệt nhưng người dân góp đất vào dự án dưới dạng cổ phần.

Nhóm thứ ba là dạng “tự điều chỉnh”, chẳng hạn những khu dân cư chen chúc, người dân tự điều chỉnh, đồng ý nhà này thụt vào, nhà kia phá đi một phần để làm đường đi chung…; thậm chí có thể cho phép nhà đầu tư tham gia việc này.

Một khi Nhà nước ra quyết định phê duyệt dự án thì phải thực hiện phương án thu hồi. Khi thu hồi xong, trường hợp nào phải đấu giá, đấu thầu đã có quy định. “Chúng ta không lo ngại việc thu hồi xong bị nhà đầu tư “chiếm lợi” ”- ông Cường cho rằng qua đấu thầu, đấu giá, chúng ta mới phân phối lại được lợi ích từ đất nông nghiệp thành đất thương mại, dịch vụ hay đất đô thị. Khi đó chúng ta mới bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

“Nếu để tự thỏa thuận, nhà đầu tư thỏa thuận giỏi, từ đất nông nghiệp thành đất ở thì nhà đầu tư được hưởng. Người dân nào “ngang bướng” thì được hưởng lợi hơn những người khác. Còn Nhà nước không có gì cả. Nhà nước phải đứng ra chịu hậu quả khi người dân mất đất, khi hạ tầng không được đầu tư…” - ông Cường nêu.

Về quy định quy mô trên 10 ha

Điều 79 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Đáng chú ý, việc thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại, dự án thương mại, dịch vụ đang được xây dựng theo hai phương án.

Phương án 1: Dự án nhà ở thương mại, dự án thương mại, dịch vụ trọng điểm được HĐND cấp tỉnh quyết định.

Phương án 2: Dự án nhà ở thương mại, dự án thương mại, dịch vụ quy mô trên 10 ha.

“Cơ sở nào đưa ra mức 10 ha? Không luận giải nổi!” - ĐBQH Hoàng Văn Cường bình luận. Ông Cường đề xuất dự thảo nên quy định theo hướng “ngược lại” sẽ tốt hơn. “Hãy chọn những loại nào để người dân được thỏa thuận, còn lại là thu hồi. Liệt kê tất cả những gì thu hồi ở đây, phần còn lại cũng đang mập mờ” - ông Cường nói.

Tương tự, ĐBQH Đoàn Hà Nội Trương Xuân Cừ cũng cho rằng việc định “10 ha” như dự thảo không hợp lý. “Tôi nói thật nếu 10 ha phải trình cấp cao hơn thì tôi làm dự án 9,9 ha, chẳng khác gì 10 ha cả. Chúng tôi làm 100 lần như thế thì cũng có 1.000 ha luôn” - ông Cừ tiên liệu.

ĐỨC MINH

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Chủ tịch HOREA: Cần bổ sung phương pháp định giá đất hàng loạt vào sửa đổi Nghị định 44 (28/07/2023)

>   Phương pháp định giá đất đang là ''nút thắt'' lớn nhất quyết định tiến độ triển khai các dự án (28/07/2023)

>   Bộ TN-MT: Chỉ tiêu sử dụng đất của cả nước đạt tỷ lệ rất thấp (27/07/2023)

>   Đề xuất bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất: Nên hay không? (27/07/2023)

>   HoREA kiến nghị Thủ tướng về bất cập xác định giá đất (25/07/2023)

>   Phó Thủ tướng: Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến 'phút cuối cùng' (25/07/2023)

>   Tránh bỏ sót dự án lớn khi áp dụng phương pháp hệ số K (24/07/2023)

>   Các "ông lớn" Facebook, Google… đã nộp gần 4.000 tỉ đồng tiền thuế (22/07/2023)

>   TP Thủ Đức thu hồi hàng trăm ha đất trong năm 2023 (22/07/2023)

>   Sổ hồng cho condotel vẫn vướng (18/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật