Thứ Bảy, 12/08/2023 08:20

Các quỹ đầu tư Mỹ chuẩn bị cho tương lai bất định ở Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào một số ngành công nghệ quan trọng của Trung Quốc, các quỹ của Mỹ đang gấp rút phân tích tác động tiềm ẩn của sắc lệnh đối các khoản cổ phần của họ ở Trung Quốc và cân nhắc các chiến lược tuân thủ hoặc rút lui.

Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden, ký hôm 9-8,  nhằm hạn chế các quỹ của Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực như điện toán lượng tử, chip tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc. Ảnh: FT/Getty

Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden, ký hôm 9-8, sẽ có hiệu lực vào năm tới, nhằm hạn chế các quỹ của Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực như điện toán lượng tử, chip tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là nỗ lực ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn và bí quyết chuyên môn Mỹ.

Các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân như General Atlantic, Warburg Pincus, Carlyle Group, Sequoia Capital đã rót hàng tỉ đô la vào Trung Quốc trong những năm gần đây khi họ tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ bằng cách đặt cược sự trỗi dậy của Bắc Kinh này với tư cách là một siêu cường công nghệ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy dấu hiệu rủi ro, nhiều quỹ đã rút lui.

Họ đã thực hiện các giao dịch đầu tư ở Trung Quốc với tổng trị giá 47 tỉ đô la vào năm 2021, nhưng con số đó đã giảm nhanh chóng xuống chỉ còn 2,4 tỉ đô la vào năm 2022 và 2,8 tỉ đô la trong năm nay, theo dữ liệu của Dealogic.

Quỹ Sequoia Capital, có trụ sở ở bang California, hành động quyết liệt nhất. Hồi tháng 6, Sequoia Capital thông báo tách chi nhánh Trung Quốc ra hoạt động độc lập với các văn phòng Mỹ và châu Âu.

“Thời đại của các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ đầu tư vào Trung Quốc đã qua rồi”, một nhà đầu tư mạo hiểm châu Âu nói.

Tuy nhiên, hàng chục quỹ đầu tư mạo hiểm khác của Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư hoặc giữ lại cổ phần trong các công ty Trung Quốc. Trong số đó có GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures. Tháng trước, một ủy ban về Trung Quốc của quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ điều tra những khoản đầu tư này.

General Atlantic, có trụ sở ở New York, đã đầu tư vào ByteDance và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein của Trung Quốc. Hồi tháng 6, công ty vẫn nhận định Trung Quốc mang đến “cơ hội đầu tư tuyệt vời”.

Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden chỉ nhắm vào ba lĩnh vực cụ thể, một chiến lược được Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mô tả là “sân nhỏ, hàng rào cao”.

Động thái hạn chế đầu tư vào lĩnh vực AI, một công nghệ mà các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang sử dụng, có thể ngăn cản các nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào một loạt công ty Trung Quốc.

“AI được sử dụng ở khắp mọi nơi và hầu hết là công dụng kép”, Marcia Ellis, đồng chủ tịch toàn cầu của hãng luật Morrison Foerster, nói khi ám chỉ đến các ứng dụng dân sự lẫn quân sự của AI. Điều này sẽ khiến các quỹ của Mỹ gặp khó khăn khi ra quyết định đầu tư.

Ví dụ, họ phải đặt câu hỏi liệu họ có thể đầu tư vào công ty kho hàng ở Trung Quốc sử dụng AI hay không, nếu công nghệ tương tự được quân đội Trung Quốc sử dụng.

Tình trạng không chắc chắn như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến vai trò của các “đối tác hữu hạn”, chẳng hạn như các quỹ hưu trí của Mỹ, nơi cung cấp vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân.

Chính quyền Mỹ không có kế hoạch cấm các đối tác hữu hạn này rót tiền vào văn phòng chi nhánh mà các quỹ của Mỹ đang điều hành tại Trung Quốc, nếu khoản đóng góp này chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.

Điều đó có thể cho phép các chi nhánh này huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ, chẳng hạn như HongShan, công ty tách ra từ Sequoia, tiếp tục huy động và đầu tư tiền từ các đối tác hữu hạn của Mỹ.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư này sẽ phải dưới một ngưỡng nhất định, sẽ được xác định khi chính quyền Mỹ bổ sung các chi tiết của quy tắc cuối cùng.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đang nhắm vào vào các công ty đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân của Mỹ, bên cạnh các công ty đầu tư liên doanh với đối tác Trung Quốc vì họ có thể mang lại cho Trung Quốc những lợi ích “vô hình” có giá trị, chẳng hạn như giới thiệu các chuyên gia và các công ty khác trong mạng lưới đầu tư của họ.

Một số thành viên Đảng Cộng hòa kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden mở rộng phạm vi của các hạn chế đầu tư. Họ nói rằng, các hạn chế hiện nay sẽ không mang lại kết quả mong muốn là kìm hãm quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Tuần trước, Mike Gallagher, chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc ở Hạ viện Mỹ, đã thúc giục ông Biden đưa vào sắc lệnh các hạn chế đầu tư đối với các công ty đại chúng của Trung Quốc.

Jonathan Gafni, người đứng đầu bộ phận tư vấn đầu tư nước ngoài của Mỹ tại hãng luật Linklaters, cho biết các nhà vận động hành lang sẽ có nhiều cơ hội để xem xét các quy tắc cuối cùng trong những tháng tới. Hiện Bộ Tài chính Mỹ đang soạn thảo quy tắc thực hiện sắc lệnh mới.  Gafni cho biết chính quyền Mỹ lo ngại sẽ vấp nhiều phản ứng nếu phạm vi áp dụng của sắc lệnh mới quá rộng.

Tuy nhiên, sắc lệnh mới của Tổng thống Joe Biden thể khiến các nhà đầu tư Mỹ thận trọng hơn khi cam kết gửi tiền vào các quỹ vốn cổ phần tư nhân mới.

Chánh Tài (Theo Financial Times)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới có tuần giảm mạnh nhất trong 7 tuần (12/08/2023)

>   Dầu tăng 7 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 2022 (12/08/2023)

>   Mỹ thắt chặt quy định chống nạn rửa tiền thông qua bất động sản (11/08/2023)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ sau dữ liệu lạm phát Mỹ (11/08/2023)

>   Dầu giảm trước khả năng Mỹ tạm dừng nâng lãi suất (11/08/2023)

>   Giá khí đốt châu Âu tăng vọt gần 40% (10/08/2023)

>   Vàng thế giới giảm nhẹ chờ báo cáo lạm phát Mỹ (10/08/2023)

>   Nhật Bản ghi nhận số tiền lừa đảo qua ngân hàng điện tử cao kỷ lục (10/08/2023)

>   Dầu Brent tăng gần 2% lên cao nhất kể từ tháng 1/2023 (10/08/2023)

>   Vàng thế giới xuống thấp nhất trong gần 1 tháng (09/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật