Cà phê được giá, doanh nghiệp niêm yết có được mùa nửa đầu năm 2023?
Giá cà phê toàn cầu, nhất là robusta đã vượt đỉnh lịch sử trong hơn thập niên qua, tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hưởng lợi từ xu hướng này.
Giá cà phê robusta phá đỉnh 12 năm
Giá cà phê thế giới nhìn chung có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2023. Diễn biến này tập trung với cà phê robusta khi phá đỉnh 12 năm. Cụ thể, giá robusta kỳ hạn tháng 9/2023, tăng liên tục từ mức thấp 1,748 USD/tấn đầu năm, lên 2,783 USD/tấn trong ngày 19/06, tương đương tăng hơn 59%. Tính đến 04/08, giá robusta vẫn còn neo ở 2,600 USD/tấn.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 09/2023 trong vòng 1 năm
Nguồn: ICE EU – London
|
Trong khi đó, giá cà phê arabica cùng kỳ hạn từ mức thấp 145.75 cent/lb ngày 11/01, đã tăng 37% lên 199.95 cent/lb ngày 18/04, sau đó quay đầu điều chỉnh. Tính đến 04/08, giá arabica dừng ở mức 161.35 cent/lb.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 09/2023 trong vòng 1 năm qua
Nguồn: ICE US – New York
|
Lý giải diễn biến tăng của giá cà phê, giới phân tích hàng hóa thế giới đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó, liên quan đến nguồn cung đang thấp hơn ở Việt Nam và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản lượng ở Indonesia. Đây là hai quốc gia có nguồn cung robusta đứng đầu và thứ ba thế giới. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng chuyển qua sử dụng robusta rẻ tiền hơn. Bên cạnh đó, lo ngại về El Niño ở các vùng trồng chính trên thế giới có thể ảnh hưởng đến sản lượng.
Giá robusta tăng cao góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đạt 2.4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình đạt 2,391 USD/tấn, tăng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do giá tăng, vì khối lượng xuất khẩu tương đương cùng kỳ ở mức hơn 1 triệu tấn.
Tăng trưởng doanh thu không đồng đều
Về hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp cà phê trên sàn chứng khoán quý 2/2023 nhìn chung không có biến động nhiều so với quý 1, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, giữa các doanh nghiệp có sự phân hóa. Giá cà phê trong nước cũng chung xu hướng tăng mạnh của giá thế giới nên các doanh nghiệp xuất khẩu không được hưởng lợi.
Theo lãnh đạo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), các doanh nghiệp xuất khẩu không mua trữ cà phê như trước, mà ký hợp đồng tới đâu mua tới đó trong bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng thu mua bị hạn chế.
Theo thống kê của VietstockFinance, tổng doanh thu 5 doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên sàn chứng khoán hơn 247 tỷ đồng trong quý 2, đi lùi 21% so với cùng kỳ năm trước. Song, lũy kế 6 tháng, doanh thu các doanh nghiệp tăng 4%.
Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) có quy mô doanh thu lớn nhất trong quý 2, đạt gần 182 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ vào thị trường xuất khẩu cà phê quý 2 có nhiều chuyển biến tích cực.
Doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn thứ hai là Cà phê Petec (UPCoM: PCF) với 34 tỷ đồng, đi lùi đến 68%. Trong khi, Cà phê Phước An (UPCoM: CPA) doanh thu vỏn vẹn 2 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 96%.
Còn Cà phê Gia Lai (UPCoM: FGL) dù có mức tăng trưởng doanh thu 25% vào quý 2, song giá trị tuyệt đối chỉ đạt 30 triệu đồng. Đáng chú ý, Doanh nghệp này không ghi nhận doanh thu từ bán cà phê mà phần lớn từ bán chanh dây, chuối (22 triệu đồng) và hợp tác kinh doanh (hơn 7 triệu đồng).
Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp cà phê trên sàn (Đvt: Tỷ đồng)
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của CFV đạt 297 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và thực hiện 80% kế hoạch năm. CTP đạt 50 tỷ đồng, tăng 18% và đi được 40% kế hoạch năm. Còn FGL chỉ đạt 0.04% kế hoạch.
PCF và CPA thực hiện lần lượt 56% và 20% kế hoạch doanh thu cả năm sau 6 tháng.
Vẫn còn thua lỗ triền miên
Bức tranh về lợi nhuận của doanh nghiệp cà phê được phủ lên phần lớn bởi màu xám. Quý 2, con số tổng của 5 doanh nghiệp trên là lỗ ròng gần 6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ. Lũy kế 6 tháng, lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng.
Đơn cử, với việc gia tăng loạt chi phí, quý 2 năm nay CPA lỗ hơn 3.6 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ ròng thứ 8 liên tiếp. Lũy kế nửa đầu 2023, CPA lỗ hơn 7 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 2 tỷ đồng. Ở bảng cân đối, khoản phải trả người bán trước hạn, giá trị phải trả hộ dân về vượt khoán và gửi kho cà phê giảm mạnh còn 236 triệu đồng, đầu năm con số này là 4 tỷ đồng.
Với mức lỗ gần 3.6 tỷ đồng quý 2, đến nay FGL có 6 quý lỗ liên tiếp. Như đã đề cập, trong kỳ FGL không phát sinh doanh thu từ bán cà phê, tuy nhiên lại có hơn 47 triệu đồng giá vốn cà phê xuất bán (quý 1 không ghi nhận). Kết quả nửa đầu năm Công ty lỗ hơn 6 tỷ đồng.
Mặt khác, tính đến cuối tháng 06/2023, nợ ngắn hạn của FGL là 76 tỷ đồng, vượt qua giá trị tài sản ngắn hạn (49 tỷ đồng), điều này báo hiệu rủi ro thanh toán. Ngoài ra, FGL còn có 7 tỷ đồng hàng tồn kho dưới dạng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, nhưng không nêu rõ, đầu năm không có. Dư nợ vay ngắn hạn cuối quý 2 ở mức 44 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với đầu năm, chủ yếu từ cá nhân và tổ chức có liên quan. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn từ CTCP Chè Biển Hồ hơn 20 tỷ đồng, còn dài hạn trên 26 tỷ đồng.
CFV là điểm sáng trong nhóm doanh nghiệp cà phê khi chuyển từ lỗ hơn 3 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước thành lãi hơn 1 tỷ đồng trong quý 2/2023, chủ yếu do tăng doanh số bán hàng. Trong kỳ, doanh thu tài chính Công ty có gần 2 tỷ từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và 1.5 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá. Kết quả nửa năm, CFV lãi gần 3 tỷ đồng.
Tương tự, CTP cũng chuyển từ lỗ thành lãi 87 triệu đồng trong quý 2 năm nay; 6 tháng đầu 2023 đạt 319 triệu đồng, tăng 59%. Theo CTP, mặc dù có những khó khăn chung của nền kinh tế, đồng thời có thách thức với ngành nghề đang kinh doanh nhưng các đối tác chiến lược vẫn tin tưởng và ủng hộ nên doanh nghiệp có kết quả khả quan và tích cực.
PCF lãi hơn 230 triệu đồng trong quý 2, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lãi ròng đạt 432 triệu đồng, giảm gần 30%.
Tình hình thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp cà phê sau 6 tháng đầu năm (Đvt: Tỷ đồng)
|
Ngoài 5 doanh nghiệp kể trên, còn có Cà Phê Ea Pốk (UPCoM: EPC), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, thu mua, sản xuất và chế biến cà phê . Ngoài ra, còn có chăn nuôi bò, trồng các loại cây khác như bơ, mít, sầu riêng… Hiện Công ty chưa công bố BCTC quý 2/2023. Năm 2023, EPC đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 51 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm 2022; lỗ trước thuế gần 6 tỷ đồng. Riêng doanh thu mục tiêu 2023 ngành cà phê gần 12 tỷ đồng, giảm 43% so với thực hiện 2022. Lỗ dự kiến trên 7.4 tỷ đồng.
Mặt khác, trong hoạt động kinh doanh cà phê cũng như các sản phẩm có liên quan không thể không nhắc đến nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu tại Việt Nam là Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF). Theo BCTC soát xét bán niên, VCF đạt 994 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng 195 tỷ đồng, tăng 42%.
Kết quả kinh doanh 6 tháng của VCF qua các năm |
|
Năm 2023, VCF đặt doanh thu mục tiêu tối thiểu 2,500 tỷ đồng (tăng 10% so với thực hiện 2022) và tối đa 3,000 tỷ đồng (tăng 32% so với thực hiện 2022). Lãi ròng mục tiêu tối thiểu là 380 tỷ đồng (tăng 19%), còn tối đa là 500 tỷ đồng (tăng gần 57%).
Như vậy, so với kế hoạch tối đa, VCF thực hiện được 33% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lãi ròng.
Cà phê thế giới dự báo thặng dư trong niên vụ 2023/2024
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2023/2024 có thể đạt hơn 174 triệu bao (1 bao = 60 kg), tăng khoảng 3% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng arabica dự kiến tăng 7% lên 96 triệu bao; robusta dự kiến giảm 2% về 78 triệu bao.
Tiêu thụ thế giới có thể đạt 170 triệu bao, tăng nhẹ 1% so với vụ trước. Với dự báo của USDA, thế giới ước tính thặng dư 4 triệu bao niên vụ 2023/2024.
Trong báo cáo triển vọng quý 3 của StoneX, nếu không có diễn biến thời tiết bất ngờ, giá arabica sẽ tiếp tục chịu áp lực do tiêu thụ còn yếu và nguồn cung lớn hơn khi Brazil – quốc gia có sản lượng arabica lớn nhất thế giới bước vào thời kỳ thu hoạch. Còn đối với giá robusta, có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp tại châu Á và kéo dài cho đến quý 4, khi thời kỳ thu hoạch tại Việt Nam bắt đầu.
Vấn đề El Niño cần được quan sát chặt chẽ, dù ảnh hưởng đến sản lượng robusta của Brazil có phần hạn chế, nhưng tùy vào cường độ, El Niño có thể là vấn đề với Việt Nam và Indonesia.
Duy Khánh
FILI
|