Hai doanh nghiệp cao su từng mua “hớ” cả ngàn tỷ đồng cổ phần HNG giờ ra sao?
Cách đây hơn nửa thập niên, thị trường chứng khoán từng xôn xao thương vụ mua “hớ” hơn ngàn tỷ đồng cổ phần HNG của hai doanh nghiệp cao su kín tiếng vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đồng là Cường Thịnh và An Thịnh vào năm 2016.
Theo báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh công bố tình hình tài chính bán niên 2023 với kết quả lợi nhuận sau thuế âm gần 34 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm gần 44 tỷ đồng.
Với việc liên tiếp thua lỗ, tính tới ngày 30/06/2023, Cường Thịnh âm vốn chủ sở hữu hơn 1,118 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu âm 1.1 lần, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu âm 0.65 lần.
Một số chỉ tiêu tài chính của Cao su Cường Thịnh 6 tháng đầu năm 2023
|
Cường Thịnh là doanh nghiệp bên cạnh Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh, cùng được thành lập vào tháng 03/2014, cùng vốn điều lệ 30 tỷ đồng và chung địa chỉ tại 14-08B, lầu 14, tòa nhà 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM.
Cường Thịnh do ông Trần Tiến Pháp làm Chủ tịch, An Thịnh do ông Nguyễn Công Thành làm chủ sở hữu - Giám đốc Công ty. Cả hai cá nhân này đều có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Long An.
Năm 2016, hai doanh nghiệp vốn 30 tỷ đồng này lại gây xôn xao thị trường chứng khoán khi mạnh tay chi hàng ngàn tỷ đồng trong thương vụ mua 59 triệu cp CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG Agrico, HOSE: HNG).
Cụ thể, Cường Thịnh và An Thịnh mua lần lượt 27.5 triệu cp và 31.5 triệu cp HNG với giá 28,000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị 1,652 tỷ đồng trong bối cảnh thị giá HNG thời điểm đó chưa đầy 10,000 đồng/cp. Hai doanh nghiệp này ngay sau đó đã phải chịu khoản lỗ hơn ngàn tỷ ở thương vụ mua cổ phần HNG này.
Không những vậy, trong năm này cả hai doanh nghiệp còn cùng nhau góp 1,465 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương. Theo đó, Cường Thịnh góp 691 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47.17% vốn và An Thịnh góp 774 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52.83% vốn. Sau đó vài ngày, chính HNG lại chi 1,650 tỷ đồng mua Cao su Đông Dương.
Đến giữa năm 2019, HNG chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Cao su Đông Dương cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (Thadi). Vốn điều lệ của Cao su Đông Dương ghi nhận theo báo cáo thường niên năm 2018 đạt 1,465 tỷ đồng và HNG sở hữu 100%.
* Tại sao cổ phiếu HNG lại “gục ngã” sau tin nóng phát hành thành công?
Năm 2022, Cường Thịnh kinh doanh thua lỗ 288 tỷ đồng, năm 2021 lỗ gần 99 tỷ đồng. Còn An Thịnh lỗ 341.5 tỷ đồng năm 2022, và lỗ gần 129 tỷ đồng đồng năm 2021; vốn chủ âm 1,238 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022.
Một số chỉ tiêu tài chính của Cao su An Thịnh năm 2022
|
Kinh doanh đều thua lỗ, năm 2022, Cường Thịnh phát hành 545 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng (từ 21/02/2022 – 21/02/2024), lãi suất 8.5%/năm. Tương tự, An Thịnh cũng huy động 650 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng (từ 11/02/2022 – 11/02/2024), lãi suất 8.5%/năm.
Cường Thịnh hiện do ông Bùi Quang Hoàn làm Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật, vốn điều lệ không đổi. Còn An Thịnh giữ nguyên vốn điều lệ, người đại diện pháp luật và Giám đốc là ông Nguyễn Công Thành. Cả hai chuyển trụ sở về số 1, đường N3, khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức.
Về Cao su Đông Dương, theo cập nhật vốn điều lệ gần nhất (tính đến tháng 07/2020), doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 5,511 tỷ đồng do Thaidi làm chủ sở hữu, hiện do ông Trần Bảo Sơn làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ông Sơn còn là Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HNG.
Thu Minh
FILI
|