Thứ Hai, 14/08/2023 08:06

Bancassurance và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng tìm kiếm nguồn thu mới từ đâu?

Trước tình hình nguồn thu phí dịch vụ chịu áp lực suy giảm, do hoạt động bancassurance và trái phiếu doanh nghiệp suy giảm, các ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn thu mới để thay thế, bù đắp, hạn chế sự sụt giảm của các khoản thu nhập ngoài lãi. Quan trọng là từ đâu?

Nguồn thu phí suy giảm?

Sau hàng loạt vụ việc tai tiếng, khiếu nại, tố cáo, hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 đã rơi vào trầm lắng. Tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính một lần nữa cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật. Mới đây nhất, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 5-2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 855.635 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (riêng tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 736.764 tỉ đồng), còn tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 179.651 tỉ đồng, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 714.597 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 649.040 tỉ đồng).

Dù vậy, doanh thu từ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã chịu nhiều áp lực suy yếu. Báo cáo tài chính quí 1-2023 cho thấy doanh thu từ bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng chỉ bằng 50% cùng kỳ, ảnh hưởng đến tổng thu phí dịch vụ của các ngân hàng. Số liệu khảo sát từ 27 ngân hàng đang niêm yết cho thấy, có 11 ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ sụt giảm trong quí 1-2023, trong đó không ít ngân hàng ghi nhận doanh thu mảng bảo hiểm giảm.

Thời gian qua một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai dịch vụ Private Banking – mô hình dịch vụ chuyên biệt dành cho giới nhà giàu, bao gồm các giải pháp quản lý tài sản và đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến tài chính và phi tài chính của khách hàng như đầu tư, kế hoạch thừa kế, thủ tục cư trú, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm…

Sau giai đoạn đỉnh cao, bên cạnh những khoản phí trả trước hàng ngàn tỉ đồng, tỷ lệ chi hoa hồng cao là những áp lực về mặt doanh số (KPI) mà các ngân hàng áp xuống nhân viên bên dưới để đáp ứng chỉ tiêu cho các công ty bảo hiểm.

Gần đây, sau nhiều lần bị thanh, kiểm tra, nhiều ngân hàng đã ngừng áp chỉ tiêu kinh doanh bảo hiểm cho nhân viên, hoặc chỉ tiêu bancassurance sẽ được gộp chung vào để tính KPI phát triển thu nhập dịch vụ và có trọng số riêng.

Bên cạnh đó, nguồn thu phí từ hoạt động tư vấn, bảo lãnh, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của nhiều ngân hàng cũng đã và đang tiếp tục suy giảm, trong bối cảnh kênh đầu tư này vừa bị các cơ quan quản lý thắt chặt vừa đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Số liệu báo cáo tài chính cho thấy danh mục đầu tư TPDN của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh mẽ, do các thương vụ đầu tư mới bị ngưng lại vì các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, ngược lại phải cấp tập mua lại trước hạn những trái phiếu phát hành sai mục đích sử dụng vốn hoặc có nguy cơ sai phạm.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy tổng giá trị TPDN phát hành trong năm tháng đầu năm 2023 là 34.258 tỉ đồng, giảm đến 70% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là ngoài ảnh hưởng bởi nguồn thu phí, các TPDN còn lại mà ngân hàng đang nắm giữ cũng có thể đối mặt với rủi ro lãi suất, khi chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng lên theo xu hướng lãi suất thị trường, nhưng nhiều TPDN dù có lãi suất thả nổi song lại tham chiếu đến lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, vốn thường xuyên niêm yết thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Quay về truyền thống và khai phá những mảnh đất mới

Trước tình hình nguồn thu phí dịch vụ từ hai hoạt động trên chịu áp lực suy giảm, các ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn thu mới để thay thế, bù đắp, hạn chế sự sụt giảm của các khoản thu nhập ngoài lãi, nhất là khi nguồn thu nhập từ lãi vay cũng đang gặp nhiều thách thức do tăng trưởng tín dụng trì trệ từ đầu năm đến nay và áp lực nợ xấu gia tăng và trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có thể bào mòn lợi nhuận.

Gần đây, thị trường đã chứng kiến một số ngân hàng có động thái kích hoạt lại một số quy định về thu phí hoặc thậm chí tăng phí liên quan đến tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ, các giao dịch chuyển khoản, phí E-Banking, SMS Banking, sau giai đoạn miễn giảm nhiều loại phí những năm gần đây để cạnh tranh thu hút tiền gửi thanh toán. Báo cáo tài chính quí 1-2023 cho thấy không ít ngân hàng đã phải dựa vào thu nhập từ hoạt động thanh toán để giữ vững lãi thuần từ dịch vụ.

Ngoài ra, các ngân hàng bên cạnh việc bỏ hoặc điều chỉnh KPI về doanh số bancassurance, đã thay thế bằng một loạt chỉ tiêu ở các sản phẩm để thúc đẩy thu phí dịch vụ. Có thể kể đến như chỉ tiêu thẻ tín dụng, số lượng tài khoản mở trực tuyến, tài khoản số đẹp, tài khoản đăng ký E-Banking,… Trong bối cảnh việc bán chéo các sản phẩm như bancassurance hay TPDN khó khăn hơn, các ngân hàng đã quay về với các sản phẩm, dịch vụ truyền thống để đa dạng hóa và tối ưu hóa nguồn thu nhập ngoài lãi.

Các dịch vụ này cũng có thể mang lại cho ngân hàng nhiều lợi ích khác, như các tài khoản số đẹp sẽ giúp khách hàng gắn bó hơn, thúc đẩy lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA); còn với thẻ tín dụng sẽ góp phần tăng dư nợ cho vay bán lẻ tại các ngân hàng, nhất là khi tỷ trọng dư nợ thẻ tín dụng trong tổng dư nợ tại nhiều ngân hàng vẫn còn thấp, dư địa phát triển vẫn còn nhiều nên không ít ngân hàng đã quay trở lại khai phá mảnh đất màu mỡ này.

Đặc biệt, thời gian qua một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai dịch vụ Private Banking – mô hình dịch vụ chuyên biệt dành cho giới nhà giàu, bao gồm các giải pháp quản lý tài sản và đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến tài chính và phi tài chính của khách hàng như đầu tư, kế hoạch thừa kế, thủ tục cư trú, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm,… Với thu nhập người dân tăng lên và tầng lớp thượng lưu xuất hiện nhiều hơn, đây là phân khúc còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Thực tế những năm trước đây, nhiều ngân hàng đã phát triển các đơn vị mạng lưới là các chi nhánh, phòng giao dịch chuyên biệt phục vụ nhóm khách hàng VIP, với những ưu đãi, tiện ích và chất lượng dịch vụ cao cấp hơn các đơn vị bình thường. Đó có thể xem là sự khởi đầu cho mô hình Private Banking giờ đây đang dần được chú ý nhiều hơn, khi một số ngân hàng trong nước bắt đầu có những động thái hợp tác với các định chế tài chính quốc tế về đào tạo nhân sự, liên kết cung cấp các tiện ích, sản phẩm dịch vụ vượt trội cho nhóm khách hàng này.

Trong khi đó, dù mảng bancassurance và TPDN có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có cơ hội để phục hồi trong tương lai khi còn nhiều tiềm năng để phát triển. Nếu kênh TPDN có thể cần nhiều thời gian hơn, thì sản phẩm bancassurance nếu sớm được chỉnh đốn, quản lý hiệu quả hơn sẽ vẫn là một phân khúc sản phẩm đầy tiềm năng của các ngân hàng, khi tổng doanh thu phí qua kênh bancassurance hiện mới chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Do đó, bên cạnh những cuộc chia tay gần đây giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm, vẫn có những mối lương duyên tiếp tục được kéo dài, các hợp đồng liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm được gia hạn thêm cả chục năm nữa.

Dù vậy, một báo cáo của McKinsey & Company khẳng định rằng số hóa là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình bancassurance trên toàn cầu. Vì vậy, các ngân hàng cần phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ để tăng tính chủ động cho khách hàng, tránh phụ thuộc vào các nhân viên tư vấn có thể tiềm ẩn rủi ro do xung đột lợi ích.

Tuệ Nhiên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá USD nới rộng đà tăng (13/08/2023)

>   Điều gì đang xảy ra với tăng trưởng tín dụng? (12/08/2023)

>   Chi phí vốn ngân hàng tăng mạnh - ai mới là nạn nhân? (12/08/2023)

>   Con trai Chủ tịch VIB đã bán xong hơn 124.7 triệu cp (11/08/2023)

>   MSB huy động 2,000 tỷ đồng từ trái phiếu (11/08/2023)

>   Sau chuỗi ngày trầm lắng, gọi vốn từ trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại trong tháng 7 (11/08/2023)

>   VPBank sẽ phân bổ hạn mức tín dụng cao như thế nào? (10/08/2023)

>   Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: “ABBank có thể tự tin với những gì đang có” (11/08/2023)

>   Ông Phạm Duy Hiếu được bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc ABBank (10/08/2023)

>   Tập trung trục nông nghiệp nông thôn, HDBank giữ vững quỹ đạo tăng trưởng (10/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật