Thứ Ba, 04/07/2023 10:30

Vì sao ngân hàng tăng cường rao bán tài sản đảm bảo?

Gần đây, nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo nhằm tăng cường thu hồi nợ xấu với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Gần đây nhất, VietinBank công bố danh sách gồm 396 quyền sử dụng đất tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Nam, Khánh Hoà, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ…

Các bất động sản được rao bán có giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3-4 sao… Tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý lên tới hơn 8,000 tỷ đồng.

Giá trị lớn nhất trong danh sách tài sản cần thanh lý của VietinBank là một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, xây dựng trên diện tích hơn 1,200 m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là hai khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam) với quy mô 98-104 phòng được chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản. Riêng tại Hội An, VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Trước đó, VietinBank cũng thông báo bán các khoản nợ tiêu dùng để thu hồi nợ. Trong danh sách công bố, tổng 556 khoản nợ ngân hàng này cần rao bán có giá trị ghi sổ khoản nợ (bao gồm cả gốc, lãi, lãi phạt) là 11.9 tỷ đồng. Các khoản nợ này đều không có tài sản đảm bảo, giá bán khởi điểm từ 600,000 đồng đến hơn 145 triệu đồng. Tổng giá bán khởi điểm của các khoản nợ này hơn 10.8 tỷ đồng.

Phương thức bán các khoản vay tiêu dùng này là bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. VietinBank sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.

Từ đầu năm đến nay, BIDV cũng là một trong những ngân hàng đã rao bán, đấu giá hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo, gồm cả những công trình lớn như thủy điện.

Trong đó, BIDV thông báo đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng. Tài sản này đã được đấu giá đến lần thứ 10.

Khoản nợ của Công ty Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi cũng được BIDV rao bán với giá khởi điểm 914 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản tại Gia Lai và Kon Tum.

Sacombank cũng liên tục thông báo phát mại, bán đấu giá tài sản bảo đảm là các sản phẩm thuộc dự án căn hộ Xi Grand Court ở quận 10, TPHCM. Loạt sản phẩm gồm 19 căn hộ giá khởi điểm 77 tỷ đồng (giá từng căn hộ từ 2.3-7.5 tỷ đồng); hơn 12,000 m2 diện tích sàn ở hầm B1 giá khởi điểm 220 tỷ đồng hay hơn 2,200 m2 diện tích thương mại dịch vụ ở tầng 7 giá khởi điểm 107 tỷ đồng...

Sacombank trước đó cũng đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng và khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng....

Agribank cũng thông báo đấu giá khoản nợ 6 khoản nợ lên tới hơn 1,000 tỷ đồng của CTCP Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mekong Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1,200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Việc các ngân hàng thương mại tăng cường rao bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu không phải là chuyện mới đây. Tình hình thị trường khó khăn, tác động lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng lên quá trình trả nợ cho các ngân hàng buộc các ngân hàng phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

 

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế đánh giá giá trị tài sản đang đi xuống do nền kinh tế đi vào trì trệ, trong tình hình này các ngân hàng đang phải chịu áp lực thanh lý tài sản càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc này sẽ là con dao hai lưỡi, khi ngân hàng muốn thanh lý tài sản nhanh chóng thì sẽ phải đẩy giá trị tài sản xuống. TS. Hiếu nhìn nhận việc này có thể là “gậy ông đập lưng ông” đối với các ngân hàng.

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn. Thông tư này giúp doanh nghiệp có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Doanh nghiệp có thêm điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Song song đó, NHNN cũng liên tục khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từ đó góp phần phục hồi kinh tế.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Tấn công mạng ngân hàng sao dễ như vậy? (04/07/2023)

>   Gỡ vướng với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (03/07/2023)

>   Sửa quy định đấu giá trực tuyến (03/07/2023)

>   Techcombank đồng hành cùng diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore lần thứ 7 (03/07/2023)

>   Ma trận sở hữu chéo: Tăng rào cản liệu có xử lý dứt điểm? (03/07/2023)

>   SHB chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% (03/07/2023)

>   Ngân hàng SCB đóng cửa 3 phòng giao dịch  (03/07/2023)

>   TPHCM: Tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 3.3 triệu tỷ đồng, tăng 3.5%  (03/07/2023)

>   Một ngân hàng rao bán gần 400 nhà hàng, khách sạn, resort khắp cả nước (03/07/2023)

>   Dấu hiệu nới lỏng rõ hơn, nhưng vì sao tín dụng vẫn trì trệ? (03/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật