Thứ Hai, 03/07/2023 09:00

Dấu hiệu nới lỏng rõ hơn, nhưng vì sao tín dụng vẫn trì trệ?

Ngoài tăng trưởng tín dụng tiếp tục trì trệ, tiếp nối xu hướng ảm đạm từ đầu năm đến nay, có điều gì đáng chú ý trong bức tranh hoạt động của toàn ngành ngân hàng trong nửa đầu năm nay?

Diễn biến bất ngờ

Nếu như báo cáo quý 1 đầu năm nay của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành so với đầu năm dù ở mức thấp là 1.61%, nhưng vẫn cao gấp đôi so với mức tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng tại thời điểm đó chỉ đạt 0.77%. Xét theo số liệu tuyệt đối, dư nợ tín dụng tăng cao hơn huy động vốn gần 101,000 tỷ đồng.

Bước sang quý 2, diễn biến có những thay đổi đáng chú ý, khi tín dụng tiếp tục trì trệ với mức tăng trưởng đến ngày 20/6 theo GSO là 3.13%, đã thấp hơn mức tăng trưởng huy động vốn là 3.26%. Xét theo số tuyệt đối, số dư tiền gửi đầu vào tại các nhà băng đã tăng cao hơn số dư nợ đầu ra là hơn 12,000 tỷ đồng. Mức chênh lệch này tuy nhỏ, nhưng nếu nhìn lại 3 tháng trước vẫn đang thấp hơn gần 101,000 tỷ đồng, có thể thấy hoạt động huy động vốn của các ngân hàng đã tích cực như thế nào, bất chấp xu hướng lãi suất liên tục đi xuống.

Với kết quả này, số dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế hiện ở mức gần 12.3 triệu tỷ đồng, chỉ còn cao hơn chưa đến 93,000 tỷ đồng so với số dư tiền gửi của các nhà băng, giảm từ mức gần 206,000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1. Dĩ nhiên, phần vốn thiếu hụt sẽ được bù đắp bởi lượng giấy tờ có giá phát hành của các ngân hàng. Dù vậy, trong bối cảnh hoạt động phát hành mới trái phiếu, với mức chênh lệch giữa dư nợ và tiền gửi thu hẹp lại đã giúp giảm bớt áp lực lên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, chậm lại, góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên sau kể từ năm 2020 chứng kiến tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng cao hơn trở lại so với tăng trưởng tín dụng. Nhìn lại quá khứ gần nhất, tăng trưởng huy động vốn năm 2022 là gần 8%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng 14%; năm 2021 con số tương ứng là 9.2% và 13.6% còn 6 tháng cùng kỳ năm trước là 4% và 8.5%.

Về lý do tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn trong quý 2 vừa qua, có thể bắt nguồn từ những yếu tố sau: triển vọng nền kinh tế không mấy tích cực, rủi ro cao, các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn, thách thức lớn, thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại, cơ hội lướt sóng tỷ giá không còn, nên dòng tiền gửi có xu hướng chạy vào trú ẩn trong ngân hàng để hưởng lãi ổn định.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động thực tế chỉ mới bắt đầu giảm mạnh gần đây sau động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 5 và tháng 6 liên tiếp, còn thời điểm cuối quý 1 đầu quý 2 vẫn còn cao nên đã thu hút khách hàng gửi tiền, đặc biệt là ở kỳ hạn dài nên một lượng tiền gửi lớn vẫn duy trì tại các ngân hàng trong những tháng qua và sẽ chỉ bắt đầu đáo hạn dần từ nửa cuối năm nay. Nên nhớ rằng, trong lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên vào giữa tháng 3, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng nằm trong nhóm không được điều chỉnh.

Vì sao tín dụng vẫn trì trệ?

Một điểm lưu ý khác là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (PTTT) so với đầu năm theo GSO mới công bố cũng đã lên mức 2.53%, dù vẫn thấp hơn tăng trưởng tiền gửi và tín dụng, cũng như thấp hơn so với mức tăng 3.3% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu so với mức 0.6% vào quý 1 đầu năm nay, giai đoạn có dịp tết Nguyên đán, mới thấy tổng PTTT cũng đã tăng tốc hơn trong quý 2 vừa qua. Nếu nhìn lại quý 1 năm ngoái tổng PTTT tăng 2.49%, 6 tháng 3.3% nhưng đến 9 tháng suy giảm trở lại quay về con số 2.49%, mới thấy diễn biến trong 6 tháng đầu năm nay có sự khác biệt lớn.

Xu hướng này cho thấy nhà điều hành đang nỗ lực mở rộng cung tiền hơn, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, nhằm kéo giảm lãi suất và kích thích vốn đầu ra. Với việc liên tục mua ròng ngoại tệ với số lượng lớn từ đầu năm đến nay, theo chia sẻ gần nhất là 6.5 tỷ USD, đồng thời không còn quá tập trung trung hòa lượng tiền đồng đã bơm ra qua thị trường mở như những giai đoạn trước, lượng cung tiền tăng cao hơn trong quý 2 là có thể hiểu được.

Xu hướng này cho thấy nhà điều hành đang nỗ lực mở rộng cung tiền hơn, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, nhằm kéo giảm lãi suất và kích thích vốn đầu ra. Với việc liên tục mua ròng ngoại tệ với số lượng lớn từ đầu năm đến nay, theo chia sẻ gần nhất là 6.5 tỷ USD, đồng thời không còn quá tập trung trung hòa lượng tiền đồng đã bơm ra qua thị trường mở như những giai đoạn trước, lượng cung tiền tăng cao hơn trong quý 2 là có thể hiểu được.

Với thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục không đưa Việt Nam vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, khi Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ, cộng thêm nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào, nhà điều hành khả năng sẽ tiếp tục mua ròng ngoại tệ trong thời gian tới, đồng nghĩa với cung tiền có thể tiếp tục nới lỏng hơn.

Ngược lại, điểm không mấy tích cực như đã nói là tăng trưởng tín dụng vẫn chưa thấy khởi sắc trở lại. Cần lưu ý số liệu trước đó từ đại diện NHNN cho biết đến ngày 15/6 đã đạt 3.36%, nhưng đến 20/6 theo GSO chỉ còn tăng 3.13%, tức thấp hơn con số công bố trước đó. Nếu so với cùng thời điểm năm ngoái là 8.51%, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay chưa đến tỷ lệ 40% so với mức tăng của cùng kỳ. Đặc biệt, mức tăng này còn thấp hơn cả cùng kỳ năm 2021 - thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID - 19.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng yếu như vậy.Thứ nhất, do hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, cầu tiêu dùng quốc tế lẫn trong nước sụt giảm, quy mô sản xuất kinh doanh ngày càng thu hẹp, nói chi đến mở rộng hoạt động đầu tư nên nhu cầu vay vốn sụt giảm là tất yếu. Thứ hai, doanh nghiệp nhỏ và vừa đa phần có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu để vay vốn ngân hàng

Thứ ba, các thị trường, kênh đầu tư như bất động sản trầm lắng và rủi ro hơn, nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý, ít dự án triển khai nên nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành này cũng sụt giảm, trong khi nhu cầu vay mua nhà từ khách hàng cá nhân cũng không cao như giai đoạn trước. Với những khách hàng có nhu cầu thì lại không đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng.

Thứ tư, với thực trạng doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp kinh doanh, người lao động cũng bị giảm sút thu nhập, mất việc làm nên càng phải thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu vay vốn. Cũng theo GSO, trong quý II, số lao động bị mất việc là 217,800 người, tập trung ở các ngành gặp khó về đơn hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện. Một dữ liệu khác cũng minh hoạ cho điều này là số thu thuế thu nhập cá nhân nửa đầu 2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 86,900 tỷ đồng. Đây là mức giảm mạnh nhất trong chục năm trở lại đây.

Cuối cùng, trong bối cảnh lãi suất cho vay những tháng trước đây leo lên mức quá cao, đã buộc nhiều khách hàng phải tìm cách trả nợ vay trước hạn, do đó cũng ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay. Có thể thấy dù chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng trở lại, từ yếu tố lãi suất được kéo giảm quyết liệt và cung tiền mở rộng nhanh hơn, nhưng tín dụng chưa thể phản ứng song hành như kỳ vọng.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay lên đến 14%, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ mới 3.36%, tương ứng tốc độ 24% so kế hoạch, các nhà băng dù sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng nếu tình hình kinh tế không cải thiện, để hoàn thành mục tiêu này sẽ là một thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Giá USD tiếp tục hồi nhẹ (02/07/2023)

>   Chính sách ban hành 1 năm, có cán bộ ngân hàng vẫn không biết gói hỗ trợ 2% (01/07/2023)

>   Eximbank nói gì về thông tin liên quan tới tân Chủ tịch HĐQT? (01/07/2023)

>   Sacombank được bình chọn là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả  (01/07/2023)

>   Bộ Tài chính: Có nhiều sai phạm trong tư vấn bán bảo hiểm qua ngân hàng (30/06/2023)

>   Cổ phiếu EIB vững đà tăng trước thông tin nhóm cổ đông đòi miễn nhiệm tân Chủ tịch Đỗ Hà Phương (30/06/2023)

>   Nỗi khổ của doanh nghiệp khi vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ (30/06/2023)

>   Mở tất cả các loại thẻ ở đâu nhanh nhất, không cần đến điểm giao dịch mà vẫn có thẻ sử dụng ngay (30/06/2023)

>   HDBank ấn định ngày chốt quyền, hoàn thành kế hoạch trả cổ tức 25% (30/06/2023)

>   Những trường hợp nào không được vay vốn tổ chức tín dụng từ 1/9? (30/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật