Lời giải nào cho bài toán ngập lụt đô thị ĐBSCL? Các chuyên gia cho rằng nếu không có giải pháp xử lý, tình trạng ngập lụt ở các đô thị của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng sẽ trầm trọng hơn trong tương lai. Với ĐBSCL, bài toán ứng phó với câu chuyện ngập lụt đô thị đang đi tìm những lời giải.
Ngập lụt đô thị ĐBSCL ngày càng trầm trọng hơn. Ảnh: Trung Chánh |
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, ĐBSCL là một trong ba đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Trong đó, một số nghiên cứu đưa ra dự báo, đến cuối thế kỷ 21, nước biển dâng ở vùng này từ 0,5-1 mét, làm khoảng 39% diện tích, 35% dân số bị ảnh hưởng.
Một số đô thị lớn và trung bình của vùng ĐBSCL có nguy cơ ngập cao, bao gồm Rạch Giá, Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), thành phố Cần Thơ…
Để giúp các đô thị của ĐBSCL ứng phó với tình trạng ngập lụt, một số cơ quan liên quan của Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nghiên cứu các mô hình thích ứng nhằm đưa ra sự lựa chọn phù hợp…
Kinh nghiệm ứng phó ngập lụt ở Gironde của Pháp
Tại hội thảo “Quy hoạch và Phát triển bền vững vùng ĐBSCL” được tổ chức ở tỉnh Hậu Giang hôm 18-7, ông Remy Gasset, chuyên gia của Cerema (Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp), cho biết vùng Gironde (Pháp) đối mặt với nguy cơ thiên tai kép cho cả vùng cửa sông và cửa biển. Đây là vùng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt lớn do triều cường và lũ sông gây tràn bờ. Bốn yếu tố tác động hình thành lũ lụt ở vùng Gironde, bao gồm dòng chảy cao của sông Garone và Dordogne, gió, triều cường và hệ số thuỷ triều lớn.
Theo ông Remy Gasset, thiên tai đã từng khiến 12 tỉnh của vùng này bị tàn phá, nhiều thành phố bị chia cắt, khoảng 1.000 ngôi nhà bị phá huỷ và hơn 300 người chết vào năm 1930; tháng 12 năm 1981, lũ lụt buộc phải sơ tán khoảng 2.000 người. Tần suất xảy ra thiên tai ở Gironde ngày càng nhiều hơn, mà cụ thể nơi đây đã từng hứng chịu hai trận bão lớn vào năm 1999 (bão Martin) và 2010 (bão Xynthia), gây ngập lụt, vỡ đê nhiều nơi.
Kinh nghiệm ứng phó của vùng Gironde, theo vị chuyên gia này, trước tiên tạo ra nơi trú ẩn cho người dân nhằm đề phòng xảy ra những trường hợp thời tiết cực đoan. “Chúng tôi đã triển khai nhiều dự án quy hoạch công cộng như trường học được sử dụng làm nơi tập trung trong trường hợp xảy ra thiên tai, khủng hoảng”, ông nói.
Theo ông, với vấn đề lũ lụt mà các thành phố phải đối mặt, những giải pháp kỹ thuật được triển khai dưới sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. “Chúng tôi luôn có các công trình trữ nước để có thể phân lũ trong trường hợp mực nước tăng lên”, ông cho biết. Hệ thống đê cũng là công cụ giữ vai trò rất quan trọng, cho nên khi thực hiện một số công trình hay quy hoạch, đơn vị này cũng đã lồng ghép việc gia cố hệ thống đê.
Những khu vực chịu tác động của hiểm hoạ, cách ứng phó của người Pháp là phân thành nhiều vùng, trong đó có vùng không được phép xây dựng, có vùng có thể xây dựng nhưng với biện pháp hạn chế.
Đối với khu vực đô thị được phép xây dựng, quy định sàn nhà phải cao hơn cao độ quy định; có quy định cụ thể về việc xây dựng cổng rào nhằm tạo điều kiện thoát nước dễ dàng, tránh gây tắc nghẽn; hệ thống gara phải có biện pháp kỹ thuật là đảm bảo mở để có thể thoát nước nhanh nhất.
Đối với không gian công cộng và hệ thống giao thông, theo ông Remy Gasset, các công trình đường giao thông chiến lược phải đặt ở vị trí xa dòng chảy; đường giao thông nội đô được chấp nhận có thể ngập trong một thời gian ngắn. “Trong không gian công cộng, chúng tôi cũng lồng ghép, tích hợp khả năng nước có thể sẽ ngập trong một thời gian. Nhưng, phải được phân vùng, trong đó có không gian mặt đất có độ thẩm thấu cao nhằm thoát nước nhanh nhất”, ông cho biết.
Nâng cấp, nhưng đô thị Ngã Bảy khó… hết ngập!
Ông Vũ Cảnh Toàn, Chuyên gia tư vấn của ISET Việt Nam, TS Quản trị lũ lụt đô thị, cho biết, nghiên cứu các kịch bản về biến đổi khí hậu trong tương lai cho Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) cho thấy mưa lũ, ngập lụt sẽ ngày càng gia tăng. “Ví dụ, mưa 1 giờ và 3 giờ vào khoảng năm 2050 sẽ tăng lên trong kịch bản xấu nhất có thể đến 70%”, ông nói.
Tuy nhiên, ngập lụt ở Ngã Bảy còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, bao gồm con người làm ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt; hệ thống thoát nước không đồng bộ hay việc suy giảm không gian xanh, sụt lún đất. “Nghiên cứu gần đây thực hiện trên toàn vùng ĐBSCL, tốc độ sụt lún ở Ngã Bảy khoảng 1,5 cm/năm, tức trong 20 năm tới lún xuống khoảng 30 cm”, ông nói, đó là chưa tính đến yếu tố gia tăng khai thác nước ngầm hay tiếp tục đô thị hoá, tạo sức nén gây sụt lún nhanh hơn.
Theo ông, khi đơn vị này xem xét đến quy hoạch phát triển đô thị ở Ngã Bảy được phê duyệt cách đây khoảng 4-5 năm, các yếu tố về rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu chưa được tính đến.
Đứng trước bối cảnh nêu trên, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất dự án đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu ở Ngã Bảy từ nguồn vốn ODA của AFD. Dự án có nhiều hợp phần khác nhau, bao gồm xây dựng kè sông; cải thiện kết cấu thoát nước đô thị; tạo hồ điều hoà; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Theo ông Toàn, cách tiếp cận của Ngã Bảy, đó là tích hợp tổng thể trên toàn lưu vực sông, bao gồm các yếu tố thượng nguồn; tác động của triều cường; sụt lún đất; nước biển dâng và mưa trong tương lai. “Ví dụ, ở khu vực này, chúng tôi tính nước biển dâng khoảng 28 cm vào 2050 theo kịch bản RCP8.5 (kịch bản biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất); tính toán cống thoát nước đô thị, mưa hiện tại và tương lai với kịch bản RCP8.5”, ông dẫn chứng.
Với kịch bản nêu trên, một trong những kết quả đáng lưu ý là trường hợp tính đến nước biển dâng, mực nước ngập lớn nhất có thể lên tới 2,34 mét, trong khi đó, cao trình công trình kè hiện tại của Ngã Bảy dao dộng từ 1,55-2,4 mét (đa phần là dưới 2 mét). “Đây là thách thức rất lớn”, ông nói và giải thích, các công trình kè hiện nay có thể bảo vệ đô thị Ngã Bảy ứng phó với mực nước lịch sử 1,58 mét (thực tế mực nước lịch sử ghi nhận được hiện nay là 1,74 mét), nhưng khó đáp ứng được trong tương lai.
Theo vị chuyên gia của ISET Việt Nam, công trình kè trong dự án này xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, tức cao trình là 2,2 mét, trong khi dự báo mực nước lớn nhất trong tương lai có thể 2,34-2,6 mét (tuỳ vị trí).
Việc tuân thủ quy định khiến cao trình công trình kè ở Ngã Bảy không thể tăng cao được, thậm chí nếu được thì chi phí đầu tư sẽ rất lớn.
Ông Toàn đề xuất, thiết kế công trình vẫn phải tuân thủ quy định hiện hành, nhưng có thể dễ dàng điều chỉnh nâng cao trong tương lai. Tuy nhiên, hệ thống kè của dự án này cũng chỉ được vài km, trong khi toàn bộ đê bao để bảo vệ Ngã Bảy là rất lớn. Để giải quyết vấn đề này triệt để, cần có cách tiếp cận tổng thể trong tương lai, tức tính toán nâng cấp toàn bộ, chứ không phải chỉ một vài đoạn.
Về hệ thống thoát nước, ngoài việc xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa, dự án cũng triển khai cải tạo hồ điều hoà. “Tuy nhiên, với thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện tại, khu vực có hồ điều hoà không bị ngập nhưng khu vực không có hồ điều hoà vẫn bị ngập”, ông Toàn cho biết và nói rằng, nếu tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, khu vực có hồ điều hoà vẫn bị ngập, trong khi khu vực không có sẽ ngập 100%.
Cần không gian trữ nước trong lòng đô thị
Từ trường hợp của đô thị Ngã Bảy, chuyên gia của ISET Việt Nam cho rằng cần phải lồng ghép các yếu tố của biến đổi khí hậu vào quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, cần thiết phải cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật mới để phù hợp hơn với tình hình mới. Bởi lẽ, quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay không đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong bối cảnh tương lai các đô thị chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu.
Theo ông Toàn, cần tính đến ý tưởng hạ tầng xanh trong việc giảm ngập đang được các nước trên thế giới áp dụng. “Hạ tầng xanh không đơn thuần là cây xanh, mà nó là hệ thống không gian xanh, không gian mặt nước kết nối với nhau và kết nối với hệ thống thoát nước để góp phần giảm ngập”, ông nói.
Đối với trường hợp đô thị Ngã Bảy, ông Toàn cho biết, kết quả đánh giá của dự án, với công trình hiện tại, hệ thống thoát nước hiện tại, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, thì chỉ đủ đáp ứng các trận mưa có chu kỳ lặp lại là 5 năm. “Nhưng, nếu chúng ta áp dụng hạ tầng xanh có thể nâng cao năng lực ứng phó được các trận mưa có chu kỳ lặp lại là 20 năm”, ông nói. Theo ông, ĐBSCL với lợi thế có nhiều kênh rạch nên có thể bảo tồn, phục hồi nhằm góp phần cải thiện môi trường cũng như giảm ngập.
Ông Didier Felts, chuyên gia của Cerema gợi ý, phải lồng ghép các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị. Muốn vậy, phải hiểu rõ và thật chi tiết từng nơi trong khu vực để có những giải pháp thích ứng tốt nhất.
Ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam, cho biết, qua các dự án mà đơn vị này hỗ trợ các địa phương, chiến lược chủ yếu của các địa phương là tìm cách chống lại hiện tượng bất lợi của khí hậu bằng những công trình cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vướng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn, khó có khả năng chống chịu lại các tác động thiên tai trong tương lai. Theo ông, nên chấp nhận “lùi lại”, tức không đô thị hoá ở một số khu vực.
Ông Herve Conan cho rằng, các đô thị ở ĐBSCL có thể tính đến biện pháp tạo các khu không gian để trữ lũ. Đôi khi phải chấp nhận hy sinh một số khu vực nào đó trong một đô thị bởi những khu vực đó sẽ có vai trò lớn trong việc hạn chế tác động của ngập lụt, thiên tai.
TS Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) gợi ý, tiếp tục xem xét giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đối với vùng này theo hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn kết hợp phi tập trung và nén, chủ động dành chỗ cho nước. “Đây là nội dung hết sức quan trọng đảm bảo cân bằng hệ thống sinh thái và cấu trúc kênh rạch hiện có”, bà Lan Anh nói.
Trung Chánh TBKTSG
|