Thứ Hai, 03/07/2023 08:14

Không thể quản lý thuế kiểu ‘dễ mình, khó người’

Với quyền lực và công cụ trong tay, thiết nghĩ rằng cơ quan thuế có thể thiết kế được những cơ chế giám sát, phát hiện kịp thời những doanh nghiệp lập ra chỉ để mua bán hóa đơn trục lợi. Còn lỡ để xảy ra trường hợp các doanh nghiệp xuất hóa đơn bán hàng rồi sau đó trốn biệt, thì cũng thiết nghĩ, việc khắc phục hậu quả phải hoàn toàn là trách nhiệm của các cơ quan này.

Nhưng thời sự mấy hôm nay trên báo chí cho thấy, việc để xuất hiện những “hóa đơn ma” lại như có vẻ là lỗi của những người mua hàng lấy hóa đơn.

Chuyện là, mới đây có thể đến hàng ngàn doanh nghiệp đang được cơ quan thuế yêu cầu giải trình lý do “mua hàng của công ty không có thực”, “mua phải hóa đơn của doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử”.

Theo như Tuổi Trẻ Online ngày 30-6-2023 ghi nhận, có nhân viên doanh nghiệp cho biết trước khi mua, doanh nghiệp cũng đã tra trang “masothue.com” trên cổng thông tin, công ty bên bán vẫn hoạt động bình thường, hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế cấp mã hợp lệ… Doanh nghiệp mua thật, có hóa đơn chứng từ đúng theo quy định của pháp luật và được Tổng cục Thuế cấp mã xác nhận nhưng giờ lại nói hóa đơn “ma”.

Cũng theo bài báo trên, ở một doanh nghiệp khác, người đại diện doanh nghiệp cho biết đã bị “dính” hai hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, gồm hóa đơn mua hàng làm quà tặng và hóa đơn tiếp khách. “Chúng tôi phải chứng minh việc mua bán là có thật. Nhưng quà đã tặng rồi, còn hóa đơn ăn uống, tiếp khách thì chứng minh làm sao?…”, người này nói.

Hai “ca” vừa nêu chỉ là đơn cử, chắc rằng số trường hợp có hoàn cảnh “tình ngay, lý… khó chứng minh” giống như vậy sẽ rất nhiều. Và sẽ còn nhiều hoài hoài trong tương lai nếu cứ theo cách làm hiện nay, rằng doanh nghiệp bán hàng trốn được cứ trốn, chỉ cần kêu người mua hàng lên giải trình. Bởi, tính sơ sơ như hiện nay, “theo Tổng cục Thuế, đã có hơn 4 tỉ hóa đơn điện tử được phát hành. Và thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm chiếm đoạt tiền thuế”.

Tất nhiên là, cơ quan thuế chỉ kêu lên giải trình. Chừng nào mà giải trình không suôn thì tính tiếp. Đoán chừng là không đơn giản, bởi cũng có thể bị truy cứu hình sự về… tội gian lận. Cái dễ đang nằm ở người nghe giải trình, còn cái khó chuyển sang cho người giải trình, phải chứng minh cho được mình không gian lận. Không rõ rằng những người mua hàng trung thực trong mọi trường hợp đều luôn chứng minh được dễ dàng là mình không hề gian lận hay không. Chứ như trường hợp nêu ở trên rằng có những hóa đơn không biết làm sao chứng minh, thế là “gay go” rồi! Thông cảm lắm của cơ quan thuế là cho doanh nghiệp được loại khoản mua hàng này ra khỏi chi phí hợp lệ, kê khai thuế lại và bị tính tiền chậm nộp. Nhưng như có doanh nghiệp than, nếu có nhiều khoản mua hàng và với số tiền lớn mà không được đưa vào chi phí hợp lệ thì quá là thiệt thòi!

Nhà nước giao nhiệm vụ cho cơ quan thuế đồng thời cũng trao quyền lực và công cụ thực thi vai trò quản lý. Các cơ quan này bằng cơ chế nào đó phải kiểm soát cho được, hạn chế đến mức tối đa những doanh nghiệp lập ra để mua bán hóa đơn, phải phát hiện kịp thời doanh nghiệp bỏ trốn. Pháp luật về thuế hoàn toàn cũng có thể được điều chỉnh theo hướng xử lý thật nặng để không cá nhân, tổ chức nào dám nghĩ đến chuyện thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn.

Còn việc ứng xử của cơ quan thuế với người mua hàng lấy hóa đơn mà sau đó phát hiện người bán hàng bỏ trốn, thay vì bắt người mua hàng giải trình chứng minh, thì chính cơ quan thuế mới phải là người có trách nhiệm chứng minh rằng hóa đơn đó có được công nhận hợp lệ hay không, mua trước hay mua sau khi doanh nghiệp đó bỏ trốn. Trường hợp cần thiết mới liên hệ với người mua hàng với tư cách là người có liên quan. Với công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại như ngày nay, điều này chắc không khó.

Cũng qua sự việc này, bản thân những người mua hàng cần đặt ra những nguyên tắc trong việc yêu cầu xuất hóa đơn điện tử; thông qua các dữ liệu do ngành thuế cung cấp cùng với việc tìm hiểu cặn kẽ của chính mình để không phải rơi vào hoàn cảnh lấy nhầm hóa đơn “ma”.

Lê Triết

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp vừa giảm 2% thuế VAT, vừa khuyến mãi "sập sàn" để thúc đẩy sức mua (01/07/2023)

>   Giảm 2% thuế VAT nhiều mặt hàng từ ngày 01/07 (30/06/2023)

>   Giảm 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (30/06/2023)

>   Doanh nghiệp đồ uống muốn chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (29/06/2023)

>   Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875.8 ngàn tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm (29/06/2023)

>   Giảm tiền thuê đất: Bộ Tài chính đang phối hợp cân nhắc kỹ trước khi trình phương án (28/06/2023)

>   Ngành thuế đề nghị ngân hàng cung cấp dữ liệu người nộp thuế (23/06/2023)

>   Đề nghị tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế (22/06/2023)

>   Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước (21/06/2023)

>   Hải quan TP.HCM thu ngân sách giảm hơn 5.000 tỉ đồng (16/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật